Làm đồ uống, mỹ phẩm, nước hoa cao cấp hay dùng để nấu ăn là những tác dụng có 1-0-2 của thứ chất thải tự nhiên mà động vật nào cũng có thể sản xuất.
Không ít người trong chúng ta chỉ nghe tới cụm từ “phân động vật" thôi đã cảm thấy rùng mình và không muốn lại gần.
Tuy nhiên bạn có biết, từ xưa đến nay thứ chất thải tự nhiên ấy đã được chính con người sử dụng trong rất nhiều mục đích khác nhau - một vài trong số đó có thể khiến chúng ta “mắt chữ O, mồm chữ A”.
Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến và thông dụng nhất trên hành tinh. Nhưng nếu nhắc tới hai từ “đẳng cấp”, không thể bỏ quên cà phê làm từ phân chồn, phân voi.
Theo đó, cà phê chồn Kopi Luwak của Indonesia nổi tiếng với danh hiệu thứ cà phê đắt đỏ bậc nhất thế giới. Giá thành một kg loại này có thể lên tới 700 USD (tức khoảng 14,7 triệu đồng).
Sở dĩ chúng quý tới vậy là do nguồn gốc có 1-0-2 của mình. Cụ thể, cà phê chồn được tạo ra bởi chồn hương (chính xác hơn là cầy vòi hương Paradoxurus hermaphroditus).
Loài này ăn trái cà phê sau đó thải ra hạt. Hạt này không giống hạt cà phê thường mà do chịu tác động của enzyme trong cơ thể cầy hương nên có mùi vị rất đặc biệt. Bạn cũng có thể thử loại cà phê "đắt xắt ra miếng" này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, cà phê chồn đã bị soán ngôi bởi một loại cà phê khác có nguồn gốc từ... phân voi. Loại đồ uống này do người Thái Lan chế tạo ra. Cụ thể, họ cho voi ăn trái cà phê và chờ đợi hạt cà phê còn sót lại trong phân của loài này.
Thu hoạch cà phê hạt từ phân voi
Dưới góc độ sinh học, các protein gây đắng trong hạt cà phê bị loại bỏ bởi axit trong ruột voi. Mặt khác, khẩu phần ăn gồm nhiều loại hoa quả như chuối, mía cũng khiến hạt cà phê trong phân mang hương vị vô cùng đặc biệt.
Ước tính, giá của loại cà phê phân voi này lên tới 1.100 USD/kg (khoảng 23,1 triệu đồng).
Những Geisha Nhật Bản luôn nổi tiếng bởi một làn da trắng mịn, hồng hào đến khó tin. Để có được một vẻ ngoài như vậy, họ đã sử dụng rất nhiều bí quyết làm đẹp, dưỡng da, trong đó không thể không kể công thức… phân chim.
Theo các tài liệu cổ ghi chép, các Geisha xưa thường sử dụng phân chim sơn ca ở đảo Kyushu. Cụ thể, nguyên liệu này được đem phơi khô dưới ánh nắng để khử trùng, sau đó trộn với cám gạo và nước tạo thành một loại mặt nạ đắp mặt.
Sơn ca có tiếng hót rất hay...
...nên có lẽ phân của chúng cũng rất tuyệt vời!
Ngày nay, không ít thẩm mỹ viện vẫn áp dụng phương pháp làm đẹp cổ quái này. Theo họ, trong phân chim sơn ca khử trùng vẫn còn những enzyme hoạt hóa mạnh, có thể tẩy tế bào biểu bì chết và nám da, mang lại vẻ hồng hào, trắng trẻo cho khuôn mặt chị em.
Những ai sành nước hoa hẳn không quá xa lạ với cái tên “Long diên hương” - một loại nguyên liệu cực kỳ quý hiếm được sử dụng trong công nghiệp sản xuất “hương thơm”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguồn gốc của thứ hương liệu có 1-0-2 này.
Nước hoa có thành phần long diên hương
Xét về bản chất, long diên hương được hình thành để bao bọc các loại thức ăn khó tiêu mà cá nhà táng nuốt vào như răng hoặc gai của một số loài mực. Sau đó, chúng được thải ra ngoài môi trường qua đường hậu môn.
Cá nhà táng
Ban đầu, long diên hương mềm, có màu trắng nhợt và rất nặng mùi phân. Theo thời gian, chúng bị oxy hóa nên hóa rắn. Khi đó, người ta thu hoạch và sơ chế, thu được ambrox và ambrinol - hai chất tạo nên hương thơm đặc biệt dùng trong nước hoa.
Long diên hương sau khi bị oxy hóa
Sử dụng phân gia súc, gia cầm ủ men làm chất đốt từ lâu đã được sử dụng như một phương pháp tiết kiệm năng lượng tại nhiều nơi. Tuy nhiên, nhược điểm của cách thức này là các sản phẩm sinh ra trong quá trình ủ phân yếm khí như sulfua hydro (H2S) lại có mùi không mấy dễ chịu.
Để khắc phục hạn chế trên, tộc người du mục Rajasthani đã sử dụng phân gia súc (chủ yếu là bò) theo một cách hoàn toàn khác: đó là.. đốt trực tiếp. Cụ thể, họ phơi khô phân bò thành từng bánh sau đó tích trữ lại.
Trộn bánh mỳ vào phân bò cháy...
...và thưởng thức bánh ngon khi lửa đã tàn
Khi nấu nướng, người Rajasthani nhóm lửa trực tiếp bằng phân. Họ tin rằng, ngọn lửa được thắp lên sẽ khử trùng và tiêu diệt vi khuẩn có trong phân bò.
Vì vậy, sau khi lửa cháy to, họ sẽ vùi bột mỳ trực tiếp vào bếp lửa có 1-0-2 này. Khi lửa tàn, người Rajasthani sẽ bới phân ra để lấy bánh mỳ và ăn một cách ngon lành.