Công nghệ vòm mặt trời biến nước biển thành nước ngọt

  •  
  • 2.256

Nhà máy vòm mặt trời tận dụng bức xạ để truyền nhiệt, khiến nước biển bay hơi và ngưng tụ thành nước ngọt.

 Thiết kế của nhà máy vòm mặt trời.
Thiết kế của nhà máy vòm mặt trời. (Ảnh: Solar Water).

Công ty Solar Water PLC ở London, Anh, ký thỏa thuận với chính phủ Arab Saudi theo dự án công nghệ sạch NEOM trị giá 500 tỷ USD. Solar Water sẽ xây dựng nhà máy khử mặn đầu tiên trang bị công nghệ vòm mặt trời ở phía tây bắc nước này, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Theo giám đốc điều hành David Reavley của Solar Water, về cơ bản nhà máy sẽ giống "một chiếc nồi thép chôn dưới lòng đất với mái vòm bao phủ". Vòm kính, một dạng của công nghệ năng lượng mặt trời tập trung (CSP) được bao quanh bởi những kính định nhật hướng bức xạ mặt trời vào trung tâm. Hơi nóng truyền tới nước biển bên trong vòm, khiến nước biển bay hơi và ngưng tụ lại thành nước ngọt. Nhà máy vòm mặt trời không sử dụng sợi gây ô nhiễm thường dùng trong công nghệ khử mặn thẩm thấu ngược. Theo Reavley, nhà máy có chi phí rẻ và tốc độ xây dựng nhanh, đồng thời không thải khí carbon.

Tuy nhiên, hiệu quả của công nghệ CSP chưa được xác định rõ. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rất ít bằng chứng cho thấy công nghệ có thể triển khai hiệu quả ở quy mô lớn. Nếu Solar Water đạt mục tiêu, họ có thể chứng minh tính khả thi của công nghệ khử mặn mới không cần tiêu thụ lượng điện khổng lồ và dùng hóa chất gây ô nhiễm.

Solar Water không phải công ty duy nhất cung cấp dịch vụ khử mặn nước biển ở quy mô rộng. Chẳng hạn, Climate Fund Manager và Solar Water Solutions cũng đang lắp đặt 200 cụm thiết bị khử mặn ở quận Kitui County, Kenya với mục tiêu lâu dài là cung cấp nước sạch cho 400.000 người vào năm 2023. Những giải pháp như vòm mặt trời của Solar Water đặc biệt quan trọng ở vùng Trung Đông, nơi có nhiều khu vực ít mưa và thiếu nước ngọt trầm trọng.

Cập nhật: 03/09/2021 Theo VnExpress
  • 2.256