Dưới cái nhìn của giới chuyên môn, Đà Nẵng là nơi có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp phần mềm. Chính vì vậy, không lâu sau khi trở thành thành phố trực thuộc TW, Đà Nẵng đã coi phát triển công nghiệp phần mềm là một trọng trách. Từ những ý tưởng ban đầu, chỉ sau 5 năm, ngành công nghiệp phần mềm ở Đà Nẵng đã chứng minh cho tính hiệu quả của chiến lược “đi tắt, đón đầu” trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Kể từ khi có thông điệp “Đà Nẵng sẽ đầu tư mạnh vào công nghiệp phần mềm”, không ít người cho đó là chuyện “không tưởng”. Bởi lúc đó, những chỉ số về đầu tư cho công nghệ cao cấp này dường như chẳng có gì, cùng với những hoạch định phát triển tin học mờ nhạt. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm, nhất là từ khi có Nghị quyết 07 của Thành uỷ Đà Nẵng, lộ trình công nghiệp phần mềm ở thành phố này đã có những bước khởi động rất lạc quan. Đặc biệt, trong năm 2006, Đà Nẵng đã có những sản phẩm phần mềm xuất khẩu đầu tiên, bao gồm phần mềm gia công và phần mềm ứng dụng.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông, kiêm Giám đốc Trung tâm Phần mềm thành phố Đà Nẵng, cho biết: "Nếu năm 2000, chúng ta chưa có khái niệm gì về sản xuất phần mềm, thì nay đã có một đội ngũ làm phần mềm gần 1.000 người. Từ chỗ Đà Nẵng chưa có đơn vị nào làm phần mềm, hiện đã có 30 đơn vị. Và nếu năm 2005, Đà Nẵng chưa xuất khẩu được, thì năm 2006 đã xuất gần 2 triệu USD. Đây là con số rất ý nghĩa".
Hiện nay, các đơn vị phần mềm ở Đà Nẵng đang có nhiều đối tác từ Nhật Bản, Bắc Mỹ cùng nhiều nhà đầu tư công nghệ phần mềm nói riêng và công nghệ thông tin nói chung.
Sự đột phá của Đà Nẵng trên bước đường tìm kiếm một ngành kỹ thuật mới, song song với những thế mạnh khác, có công sức rất lớn của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Những nhà lãnh đạo đạo của Đà Nẵng đã dành cho ngành công nghiệp này những ưu tiên đặc biệt, phục vụ cho mục tiêu “đi tắt, đón đầu”. Đồng thời, cũng không thể không nói đến sự nỗ lực của Trung tâm công nghệ phần mềm Softech Đà Nẵng, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bởi yếu tố con người luôn là vấn đề quyết định.
Ông Phạm Kim Sơn cũng cho biết thêm: "Trong 5 năm, Đà Nẵng đã bỏ ra gần 2 triệu USD để đào tạo nhân lực. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức đưa hàng trăm lập trình viên tốt nghiệp Đại học ra nước ngoài đào tạo. Đà Nẵng cũng là một trong rất ít địa phương đã bỏ ngân sách ra cấp học bổng cho lập trình viên quốc tế".
Ông Lê Văn Duẫn, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Phần mềm thành phố Đà Nẵng giải thích rõ hơn về kế hoạch của Trung tâm: "Về lập trình viên quốc tế, các học viên được học chương trình Aptech của Ấn Độ. Phải học bằng tiếng Anh và sử dụng công nghệ cao nhất hiện nay. Ngoài ra, các em được học về Jobtech, Java, học về mảng nguồn mở. Tốt nghiệp, các em có khả năng xây dựng phần mềm cho các hệ thống lớn, có thể làm việc được ngay, có thể tham gia ngay vào dự án. Điều này cũng dễ hiểu vì đặc trưng của chương trình là trong khi học đã tham gia làm dự án rồi".
Từ những ý tưởng ban đầu, trong một tâm thế chưa có khách hàng, hoặc khách hàng chưa mấy tin tưởng vào thực lực của đội ngũ làm phần mềm ở Đà Nẵng, đến nay, khả năng làm phần mềm từ cơ bản đến cao cấp của Đà Nẵng đã trở thành hiện thực và đang có nhiều triển vọng.
Hiện nay, nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực cho đội ngũ làm phần mềm đã được Đà Nẵng khởi xướng - điều này được nhìn nhận như một động thái làm sôi động thị trường công nghệ thông tin cho cả miền Trung.
Lê Sen