Công ty nuôi cấy thịt nhân tạo ở Australia đã tạo ra một viên thịt voi ma mút, qua đó làm hồi sinh thịt của những loài động vật tuyệt chủng từ lâu.
Viên thịt voi ma mút được sản xuất bởi Vow, một công ty của Australia, Guardian đưa tin ngày 28/3.
Vow đã tạo ra thịt viên voi ma mút để chứng minh tiềm năng của thịt phát triển từ các tế bào mà không cần giết mổ động vật. (Ảnh: Aico Lind/Studio Aico).
Dự án nhằm chứng minh tiềm năng của việc nghiên cứu, phát triển thịt nhân tạo từ tế bào mà không cần giết mổ động vật, đồng thời làm nổi bật mối liên hệ giữa sản xuất chăn nuôi quy mô lớn và sự tàn phá động vật hoang dã, khủng hoảng khí hậu.
Có rất nhiều công ty đang nghiên cứu các sản phẩm thay thế cho thịt thông thường như thịt gà, thịt lợn và thịt bò. Nhưng Vow đang nhắm đến việc trộn và kết hợp tế bào từ các loài để tạo ra loại thịt mới.
Công ty đã nghiên cứu tiềm năng của hơn 50 loài, bao gồm lạc đà alpaca, trâu, cá sấu, kangaroo, công và các loại cá.
Loại thịt nuôi cấy đầu tiên mà công ty dự kiến bán cho thực khách là chim cút Nhật Bản, sẽ có mặt tại các nhà hàng ở Singapore trong năm nay.
“Chúng tôi gặp vấn đề trong việc thay đổi hành vi khi nói đến việc tiêu thụ thịt”, George Peppou, Giám đốc điều hành của Vow cho biết.
“Mục tiêu là chuyển đổi hành vi của vài tỷ người từ ăn protein động vật (thông thường) sang ăn những thứ có thể được sản xuất trong các hệ thống điện khí hóa”, ông nói. “Và chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để làm điều đó là phát minh ra thịt. Chúng tôi tìm kiếm những tế bào dễ phát triển, thực sự ngon và bổ dưỡng, sau đó pha trộn và kết hợp những tế bào đó để tạo ra thịt thực sự ngon".
“Chúng tôi chọn voi ma mút lông xoăn vì loài này là biểu tượng của sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”, Tim Noakesmith, người đồng sáng lập Vow với Peppou, cho biết. Sinh vật trên được cho là đã bị tuyệt chủng bởi sự săn bắn của con người và sự nóng lên của thế giới sau kỷ băng hà cuối cùng.
Thịt viên voi ma mút sẽ ra mắt vào tối 28/3 tại Nemo, một bảo tàng khoa học ở Hà Lan.
Theo CNN, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thịt nuôi cấy hay còn gọi là thịt không giết mổ đang được chuyển sang sản xuất tại một số cơ sở thương mại.
Ngoài việc giảm thiểu giết mổ động vật, loại thịt này cũng có thể góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính như carbon dioxide và metan, khi hệ thống thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trong đó hầu hết là từ nông nghiệp chăn nuôi.