Nổi mẩn đỏ, khò khè khó thở sau khi uống sữa bò là những biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch của trẻ phản ứng lại với thành phần protein trong sữa. Hiện tượng này theo các bác sĩ là không lạ, thường xảy ra ở bé dưới 3 tuổi.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò (tức cứ 100 bé thì có 4 cháu mắc căn bệnh này). Trong đó 50% em hết bị dị ứng sữa khi tròn 1 tuổi, 70% bé tròn 2 tuổi và khi trẻ lên 3.
|
Hiện tượng dị ứng sữa tùy thuộc vào cơ địa của trẻ. Ảnh: Corbis.com. |
Hiện vẫn chưa được kết luận chính xác nguyên nhân sữa gây dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên theo bác sĩ, các yếu tố di truyền kết hợp với việc cho trẻ bú sữa bò hay sữa đậu nành quá sớm có thể là tác nhân gây nên hiện tượng trên.
Cũng theo bác sĩ Tính, triệu chứng dị ứng sữa bò có thể xuất hiện trong vài tháng sau sinh. Một số trẻ có triệu chứng dị ứng tức thì ngay sau khi bú sữa bò nhưng một số trẻ khác có biểu hiện chậm hơn.
Theo các khảo sát, nếu cả bố mẹ đều bị dị ứng thức ăn thì tỷ lệ bé bị dị ứng là trên 60%; còn nếu chỉ một người mắc chứng này thì tỷ lệ di truyền cho trẻ gần 40%. Thức ăn gây dị ứng ở trẻ ngoài sữa còn có lòng trắng trứng, lạc, lúa mì, bột cá.
Kiểu phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù. Nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Biểu hiện của phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ hơn như quấy khóc, tiêu chảy, nôn trớ, đầy hơi, tăng cân chậm.
Bác sĩ Chu Chí Hiếu, Trưởng phòng Dị nguyên, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị ứng là phản ứng của mỗi người trước từng loại thực phẩm khác nhau. Riêng bản thân của sữa bò nói chung đã có chứa sẵn thành phần có thể gây dị ứng. Còn hiện tượng dị ứng có xảy ra hay không lại phải tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người sử dụng.
Cũng theo ông Hiếu, muốn tìm hiểu chính xác nguyên nhân dị ứng cần phải có điều tra dịch tễ chi tiết với nhiều xét nghiệm, phân tích lâm sàng khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng bộ môn Dị ứng, Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện tượng dị ứng thường sẽ giảm dần theo thời gian. Tức sau 5 năm giảm xuống còn 50%, sau 10 năm giảm đến 80%, tuy nhiên cũng có trường hợp người cơ địa nhạy cảm phải tránh luôn những loại thức ăn gây dị ứng đến suốt đời.
Do không có xét nghiệm để dự báo trước cơ địa bị dị ứng thức ăn nói chung hoặc dị ứng sữa nói riêng, nên theo các chuyên gia, việc phát hiện dị ứng phụ thuộc vào mỗi người. Tức nếu sau ăn, uống một loại thực phẩm nào đó mà có những phản ứng bất thường, thì lần sau nên tránh hoặc đổi thức ăn.
Riêng các trẻ được xác định dị ứng protein sữa bò thì cần chuyển sang dùng thử các loại sữa có thành phần protein ít gây phản ứng dị ứng như sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa có công thức Non-dairy hay Pareve. Trẻ sơ sinh, tốt nhất nên dùng sữa mẹ. Tuy nhiên mẹ cũng phải cẩn thận trong khẩu phần ăn vì sữa bò có thể hấp thu vào sữa mẹ nếu mẹ dùng sữa bò.
Các bác sĩ khuyên, với những trẻ có cơ địa dị ứng, phụ huynh nên kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả những sản phẩm dùng quen vẫn phải đọc lại thông tin trên nhãn vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần. Việc thông báo cho người chăm sóc trẻ như bảo mẫu, cô giáo, ông bà về tình trạng dị ứng của bé là thực sự cần thiết.
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện xấu sau khi dùng thức ăn như đau bụng, chóng mặt, đau đầu, tím tái, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để được tìm hiểu nguyên nhân xem bé bị ngộ độc hay dị ứng với thức ăn và kịp thời xử trí.