Một vụ va chạm cách đây 300 triệu năm giữa tiểu hành tinh có kích thước khổng lồ với miền Nam Úc đã thay đổi mãi mãi bộ mặt của thế giới.
Vụ tấn công của tiểu hành tinh đường kính gần 10km đã để lại hố va chạm rộng đến 193km, lớn thứ ba thuộc dạng này trên bề mặt địa cầu, và nhiều khả năng đã kích hoạt các cuộc tuyệt chủng hàng loạt trên toàn thế giới.
“Bụi và khí thải gây hiệu ứng nhà kính thoát ra từ vu va chạm, kéo theo cú sốc địa chấn và sự xuất hiện quả cầu lửa khủng khiếp đã nướng sạch một khu vực rộng lớn trên Trái đất”, theo đồng tác giả Andrew Glikson của cuộc nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc.
Trái đất từng hứng đòn tấn công từ tiểu hành tinh có đường kính gần 10.000m
Ông thêm rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã bám trụ trong bầu khí quyển thêm hàng chục ngàn năm, theo báo cáo trên chuyên san Tectonophysics.
Chứng cứ của vụ va chạm cổ xưa chỉ được tìm thấy sau khi một nhà nghiên cứu khác đã báo cho tiến sĩ Glikson về những trầm tích khoáng chất bất thường tại vùng trũng Đông Warburton ở Nam Úc.
Theo thời gian, hố va chạm trên đã bị chôn vùi phía dưới 4.000m đất.
Để xác định đây là dấu vết của một vụ va chạm với tiểu hành tinh, tiến sĩ Glikson và đồng sự đã phân tích các hạt thạch anh thu thập từ khu vực này, đồng thời nghiên cứu dấu vết của cơn địa chấn ngầm và tình trạng bất thường của từ tính ở đây.
Tờ The Conversation dẫn lời tiến sĩ Simon O'Toole thuộc Đài Thiên văn Úc cho hay, chứng cứ mới nhất tại Nam Úc cho thấy mối liên hệ giữa các vụ tấn công của tiểu hành tinh với những cuộc tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử Trái đất.