Cứ mỗi 2 phút ngôi sao này lại bừng sáng và lý do thì thật bất ngờ

  •   4,58
  • 11.424

AR Scorpii cách chúng ta hơn 300 năm ánh sáng là một ngôi sao rất kỳ lạ. Và cuối cùng, khoa học cũng giải đáp được tại sao.

Ở ngoài vũ trụ bao la kia, tại chòm sao Bọ cạp (Scorpius) cách chúng ta 380 năm ánh sáng, có một ngôi sao vô cùng kỳ lạ. Ngôi sao mang tên AR Scorpii.

Nó lạ ở chỗ nào? Lạ là vì không giống những ngôi sao khác, AR Scorpii cứ mỗi 2 phút lại bừng sáng rồi tắt đi. Cái sự chớp tắt này đã khiến các chuyên gia phải đau đầu suốt hơn 40 năm kể từ ngày phát hiện ra nó vào thập kỷ 70.

AR Scorpii thực chất là 2 ngôi sao.
AR Scorpii thực chất là 2 ngôi sao.

Thế rồi vào năm ngoái, một nhóm các nhà thiên văn nghiệp dư đã tìm ra sự thật. Bằng cách sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn Hubble, họ phát hiện ra rằng AR Scorpii thực chất là... 2 ngôi sao. Và chúng đang nhảy múa quanh nhau với 1 tốc độ cực kỳ chóng mặt: quỹ đạo chỉ 3,6h.

Cặp đôi này có một ngôi sao lùn trắng có kích cỡ ngang ngửa Trái đất, nhưng mật độ lớn hơn tới 200.000 lần, và một ngôi sao lùn đỏ nhỏ bằng 1/3 kích cỡ Mặt trời.

Theo họ, chính tốc độ xoay quá nhanh của ngôi sao lùn trắng đã khiến các electron nhận được mức năng lượng khổng lồ, giúp chúng gần như đạt tốc độ ánh sáng. Quá trình này đã tác động đến ngôi sao còn lại, kích hoạt xung bức xạ điện từ kèm ánh sáng loé lên với chu kỳ là 1,97 phút.

Đây là cách chúng phát sáng.
Đây là cách chúng phát sáng.

Thomas Marsh - nhà nghiên cứu thuộc ĐH Warwick (Anh) cho biết: "Cường độ của xung điện là chưa từng có". Trong quá khứ, các xung điện tương tự như vậy chỉ xuất hiện tại những ngôi sao neutron - hình thành sau khi các ngôi sao khác phát nổ.

Tuy nhiên, dù trước kia một số chuyên gia đã dự đoán rằng sao lùn trắng cũng sẽ phát ra xung điện tương tự, nhưng chẳng ai ngờ được nó có thể hình thành hệ sao đôi quái dị như thế này.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng chịu bó tay trước câu hỏi: Chính xác thì đống electron kia ở đâu ra? Hiện tại, tất cả đang giả định rằng chúng đến từ ngôi sao trắng, nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo chúng không phải do ngôi sao lùn đỏ kia tạo ra.

Theo Marsh: "Các electron có mức năng lượng lớn như vậy là khá bất thường - vì các ngôi sao lùn trắng thường không có mức năng lượng cao như vậy. Nhưng điều ấn tượng ở đây là chúng ta đang được nhìn thấy một hiện tượng rất mới trong vũ trụ, khi các hạt được gia tốc một cách khủng khiếp".

Ngoài ra, Marsh cũng chia sẻ rằng phát hiện này cho thấy vũ trụ vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, thậm chí là những hiện tượng chưa ai có thể tưởng tượng ra.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Cập nhật: 06/08/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,58
  • 11.424