Vào năm 2025, NASA dự định đưa người phụ nữ đầu tiên lên thăm "chị Hằng" để đi bộ trên bề mặt Mặt trăng. Nhưng người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ lại là của Liên Xô. Câu chuyện lớn hơn đó là thân phận người phụ nữ liên quan đến chủ đề vũ trụ.
Artemis 1, tên lửa lớn nhất từng được chế tạo - được xây dựng bởi Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của NASA (Mỹ), đã đi vòng quanh Mặt trăng vào năm 2022 và quay trở lại Trái đất thành công. Artemis 2 - chuyến bay thử nghiệm vòng quanh Mặt trăng với nhiều tham vọng hơn, sẽ khởi hành vào năm 2024. Và Artemis 3, dự kiến vào năm sau đó, sẽ đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng, hơn 50 năm kể từ lần cuối cùng con người đặt chân lên đó.
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Chương trình Apollo (Mỹ) đã đưa 12 người – tất cả đều là đàn ông da trắng – lên Mặt trăng và quay trở lại. Lần này, với Artemis 3 phi hành đoàn sẽ có một người phụ nữ và một người da màu bước đi trên Mặt trăng. Và đó có thể là một người (phụ nữ da màu).
Helen Sharman, nữ phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ của Anh.
Trở lại ngày 5/10/2022, Nicole Aunapu Mann trở thành người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên bay vào vũ trụ khi bà bắt đầu sứ mệnh kéo dài 5 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Bà Mann là người bộ tộc Wailaki ở vùng tây bắc California ngày nay, cho biết: “Tôi sinh năm 1977 và trong suy nghĩ của tôi vào thời bấy giờ, trở thành phi hành gia là điều không thể”, bà nói khi đề cập đến chủng tộc và giới tính của mình.
Bà Mann gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ khi vào Học viện Hải quân ở Annapolis, sau đó lái máy bay chiến đấu ở Iraq và Afghanistan. Năm 2013, bà được chọn vào chương trình đào tạo phi hành gia của NASA. Bà đã tham gia chương trình nghiên cứu phát triển cả SLS lẫn khoang tàu Orion (mà SLS sẽ sử dụng để đưa con người lên Mặt trăng). Sau khi trở về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS (dự kiến vào tháng 3/2023), bà sẽ là ứng cử viên cho cuộc đổ bộ lên Mặt trăng 2025.
Nhưng bà Mann còn phải cạnh tranh gay gắt để trở thành người phụ nữ đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng. NASA đã công bố 18 thành viên đầu tiên của Đội Artemis 3, nhóm các phi hành gia chuẩn bị trở lại Mặt trăng. Chín người trong số họ là phụ nữ, bao gồm cả bà Mann. Trong đội này có bà Christina Koch, người đã tham gia ba chuyến đi bộ ngoài không gian (toàn nữ) đầu tiên; bà Anne McClain, người đã ở 204 ngày ngoài không gian; và cựu cầu thủ bóng bầu dục quốc tế Jessica Watkins - người đã trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm việc trên ISS vào tháng 4 năm 2022.
Tất cả phụ nữ trong Đội Artemis 3 đều có bằng cấp cao trong lĩnh vực khoa học.
“Chúng tôi vẫn chưa biết danh tính của người phụ nữ đầu tiên sẽ bước đi trên Mặt trăng”, bà Emily Margolis - người phụ trách lịch sử phụ nữ Mỹ cho Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ ở Washington và cả Phòng thí nghiệm Vật lý Thiên văn Smithsonian ở Massachusetts, cho biết.
“Nhưng chúng tôi biết rằng cô ấy phải có kỹ năng và thành tích đáng kinh ngạc. Tất cả phụ nữ trong Đội Artemis 3 đều có bằng cấp cao trong lĩnh vực khoa học. Họ là phi hành gia, chỉ huy phi hành đoàn thương mại hoặc phi công quân sự”.
Bà Margolis cho biết thêm: “NASA chấp nhận đưa phụ nữ vào phi hành đoàn năm 1978, 20 năm sau khi cơ quan này thành lập. Mặc dù trước đó NASA không cấm phụ nữ nộp đơn vào phi hành đoàn, nhưng các yêu cầu đã ngầm loại trừ sự tham gia của họ.
Vào thời điểm đó, chỉ phi công quân sự mới đủ điều kiện đầu vào, nhưng quân đội lại đang cấm phụ nữ làm công việc này. Nhưng các yêu cầu đã thay đổi theo thời gian”. Người phụ nữ Mỹ đầu tiên nhưng là người phụ nữ thứ ba trên thế giới bay vào vũ trụ là Sally Ride, trên tàu con thoi Challenger vào ngày 18/6/1983.
Hai thập kỷ trước khi bà Ride được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của bang Florida (Mỹ), bà Valentina Tereshkova, một trung úy trong Lực lượng Không quân Liên Xô, đã được đưa vào quỹ đạo trên tàu Vostok 6, trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ. Chuyến đi của Valentina Tereshkova diễn ra vào ngày 16/6/1963, chỉ hai năm sau khi Yuri Gagarin làm được điều đó.
Giở lại lịch sử, có một sự thật là Liên Xô hồi đó chưa có ý định đưa phụ nữ vào vũ trụ. Nhưng vào năm 1961, ông Nikolai Kamanin, giám đốc đào tạo phi hành gia Liên Xô, nghe nói rằng Mỹ đang xem xét điều đó. Ông cho rằng đó là: “một sự xúc phạm đến tình yêu nước của phụ nữ Liên Xô” và đã quyết định hành động. Cho dù thông tin của ông Kamanin là sai, Mỹ lúc đó không có kế hoạch đưa phụ nữ vào không gian.
Tháng 1 năm 1962, 400 ứng viên đã được chọn, tất cả đều là lính nhảy dù. Một tháng sau, con số đó chỉ còn 5 để chọn lấy một người được bay vào vũ trụ.
Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên của thế giới ra ngoài không gian (Liên Xô, 1963).
“Đó là cuộc chạy đua với Mỹ để giành vị trí đầu tiên: tàu vũ trụ đầu tiên quay quanh Trái đất, người đầu tiên bay vào không gian, người phụ nữ đầu tiên trong không gian, người đi bộ ngoài không gian đầu tiên,…”, bà Helen Sharman, người Anh đầu tiên bay vào vũ trụ (và đã tới trạm vũ trụ Mir của Liên Xô vào năm 1991), cho biết: “Các giá trị truyền thống vẫn ưu tiên phụ nữ với vai trò là những người mẹ và nội trợ”.
Lịch sử cũng ghi lại: "Ông Kamanin, giám đốc đào tạo phi hành gia Liên Xô, đã trịch thượng gọi các nữ phi hành gia là “Gagarin mặc váy”. Ông Kamanin cũng được cho là nguồn gốc của tin đồn rằng, bởi vì đổ bệnh trong chuyến bay, bà Tereshkova đã không thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào của mình; và “sự cố” đó được lấy làm cớ để không gửi thêm các nữ phi hành gia (Liên Xô) vào vũ trụ. Bà Tereshkova luôn phủ nhận câu chuyện này, và các nhà sử học giờ đây đã chấp chận rằng nó không đúng sự thật".
Thành tích của bà Tereshkova vẫn tỏa sáng. Bà phải học tập, huấn luyện và bay mô phỏng ở trình độ giống như mọi nam phi hành gia khác - nhiều người trong số họ không đạt yêu cầu. Cần lưu ý rằng vào thời điểm này, sự an toàn không phải ưu tiên tối quan trọng. Bà đã được trao tặng Huân chương Lênin và trở thành Anh hùng Liên Xô.
“Khi tôi được đào tạo ở Thành phố Ngôi Sao của Liên Xô phía bắc Moscow, tôi luôn ngưỡng mộ những nhà du hành vũ trụ đầu tiên, đặc biệt là bà Valentina”, bà Sharman (nhà du hành người Anh) nói.
“Tôi được gặp bà ấy khi bà đến dự bữa sáng tiễn đoàn của tôi, trước khi chúng tôi khởi hành ở Kazakhstan. Bà luôn muốn thể hiện sự ủng hộ đối với những nữ phi hành gia. Chúng tôi vẫn gặp nhau tại nhiều sự kiện khác nhau trên khắp thế giới, và bà Valentina luôn tập hợp tất cả các nữ phi hành gia có mặt lại để chụp ảnh cùng nhau”.
Và bây giờ Mỹ có cơ hội tìm ra người kế nhiệm bà Valentina Tereshkova. Người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng sẽ được ca ngợi nồng nhiệt như người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ.