Các nhà địa chất, bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt, đã vượt qua sông băng và núi tuyết nhằm tìm kiếm dấu vết về một khu rừng đã tồn tại ở Nam Cực hàng trăm triệu năm trước.
Nam Cực mà chúng ta biết hàng nghìn năm nay là một vùng đất hoang vu rộng lớn được bao phủ bởi lớp băng dày. Thế nhưng, một phát hiện gần đây đã cho thấy cách đây 280 triệu năm, bề mặt của châu lục trắng xóa này từng phủ đầy những khu rừng rậm. (Ảnh: CNN).
Cách đây 280 triệu năm, Nam Cực ấm hơn bây giờ. Khi đó, châu lục này là một phần của siêu châu lục Gondwana ở phía nam địa cầu, nơi mà bây giờ đã được phân chia thành châu Phi, Nam Mỹ, bán đảo Arabia, Ấn Độ, Madagascar, Australia - New Guinea và New Zealand. (Ảnh: CNN).
Trong mùa hè vừa qua tại Nam Cực, nhà địa chất Erik Gulbranson và một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã tìm được những mẩu hóa thạch cho thấy sự tồn tại của một khu rừng tại Nam Cực từ hàng trăm triệu năm trước, trước cả khi khủng long xuất hiện trên Trái Đất. (Ảnh: CNN).
Theo giáo sư Gulbranson, vùng cực nam của đại châu lục này khi đó được bao phủ bởi những cây dương xỉ cao đến 40m, có khả năng sống sót trong điều kiệu 4-5 tháng hoàn toàn chìm trong bóng tối và 4-5 tháng sau đó được bao phủ bởi ánh sáng liên tục. Dù vậy, vòng gỗ của những hóa thạch cây này cho thấy một giai đoạn lớn lên rất khó khăn của cây cỏ. Gulbranson nói rằng việc này cho thấy môi trường khi đó cũng không dễ dàng cho cây cối phát triển. (Ảnh: CNN).
Gulbranson, một giáo sư tại Đại học Wisconsin-Milwaukee, đã tìm kiếm hóa thạch tại Nam Cực được 7 năm. Trong chuyến đi từ tháng 11/2016 đến 1/2017, họ phát hiện ra hóa thạch của 13 loại cây và rất nhiều địa điểm có hóa thạch các loại lá. (Ảnh: CNN).
Một trong những thách thức với các nhà địa chất học là truy tìm niên đại của các hóa thạch. Giáo sư Gulbranson giải thích rằng 280 triệu năm chỉ là ước tính tương đối và khu rừng tại Nam Cực có thể già hơn hoặc trẻ hơn cột mốc đó đến 20 triệu năm. Niên đại của khu rừng này được phán đoán dựa trên niên đại của các hóa thạch lá và phấn hoa còn sót lại trong đá trầm tích. (Ảnh: CNN).
Việc tìm kiếm hóa thạch cây cũng không dễ dàng vì chúng thường rất khó thấy và đã lẫn vào trong đá. (Ảnh: CNN).
Việc tìm kiếm những hóa thạch tại Nam Cực diễn ra ở dãy núi Transantarctic, dãy núi chia cắt châu lục này thành 2 miền Đông và Tây. Việc băng qua những con sông băng và cánh đồng tuyết trong nhiệt độ dưới 0 độ C và sức gió trên 60km/h là không hề dễ dàng. (Ảnh: CNN).
Gulbranson và các cộng sự "cố thủ" trong những bộ đồ leo núi to lớn, chân được buộc chặt trong những đôi giày đi tuyết có gắn đinh ở đế. Họ cẩn trọng dò tìm những vết nứt trên băng để đề phòng những cú sụp hố chết người. "Mọi chuyện rõ ràng từ đầu rằng con người không nên có mặt ở đây", Gulbranson nói với CNN. "Nó cũng như anh lên Mặt Trăng hoặc xuống đáy biển vậy". (Ảnh: CNN).
Gulbranson nói rằng công việc của ông và các cộng sự có thể giúp chúng ta hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu trong thời hiện đại. Hiện tượng Trái Đất nóng lên vào thời hiện đại có thể kéo theo việc những khu rừng cũng "di cư" về phía cực bắc. Các cuộc thám hiểm theo sau đó cũng phát hiện ra hàng trăm hóa thạch các loài động vật lưỡng cư và bò sát ở bán đảo Nam Cực. Trong ảnh, một hóa thạch tôm hùm có niên đại vào thời gian loài khủng long biến mất khỏi Trái Đất. (Ảnh: CNN).