Cuối cùng khoa học cũng tìm ra cách trị thương mà không để lại sẹo

  •   3,54
  • 2.682

Vậy là nỗi thấp thỏm của chị em mỗi khi không may xước xát đã có lời giải rồi.

Nếu được thống kê, có lẽ gần như tất cả mọi người trên thế giới này đều... có sẹo. Dù là vì ngã xe, chơi thể thao hay... bị chó cắn, sẹo vẫn đại diện cho những kỷ niệm đau thương mà ít người muốn nhớ lại.

Hiện tại với những vết sẹo đã sẵn có, bạn chỉ có nước đi thẩm mỹ viện mới tẩy được chúng. Nhưng còn những vết thương mới thì hãy để khoa học lo. Bởi vì mới đây, các chuyên gia đã tìm ra cách để phục hồi những vết thương hở mà không để lại sẹo.


Ai chẳng có một hai vết kiểu này...

"Chúng tôi có thể kiểm soát được quá trình phục hồi vết thương, giúp liền da nhờ quá trình tự tái tạo, thay vì các mô sẹo nổi lên" - George Cotsarelis - trưởng khoa Da liễu thuộc ĐH Pennsylvania cho biết.

Trên thực tế, việc bị thương mà không để lại sẹo điều được cho là không thể đối với các loài động vật. Đó là bởi các mô sẹo không hề chứa chất béo, cũng không có các tế bào nang lông, khiến vùng da khu vực bị thương có màu sắc và tính chất khác hẳn.

"Bí mật nằm ở chỗ các nang lông sẽ được phục hồi trước tiên. Chúng sẽ đưa ra tín hiệu để cơ thể tích chất béo vào vết thương, qua đó da liền lại mà không có sẹo" - Cotsarelis chia sẻ.

Cụ thể hơn, da có thể tự phục hồi bằng cách đẩy các tế bào chết béo (adipocyte) vết thương, hình thành loại da bẩm sinh của chúng ta. Nhưng đồng thời, các mô sẹo cũng xuất hiện. Chúng không chứa chất béo, mà hoàn toàn chỉ có các tế bào myofibroblast - hay tế bào nguyên sợi.

So sánh các mô sẹo không có chất béo (trái) và có chứa chất béo (phải).
So sánh các mô sẹo không có chất béo (trái) và có chứa chất béo (phải).

Quá trình này cũng giống như quá trình lão hóa. Khi già đi, các tế bào chất béo dần biến mất, khiến làn da trở nên xỉn, màu khác hẳn với làn da hồi trẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã có một khám phá vĩ đại. Họ nhận ra các tế bào nguyên sợi có thể chuyển thành tế bào chất béo, tức là trong quá trình phục hồi, các mô sẹo sẽ được chuyển sang quá trình da tự tái tạo. Khả năng này vốn chỉ thấy ở các loài cá và lưỡng cư mà thôi.

"Kết quả nghiên cứu đã mở ra một hướng đi mới, cho thấy hy vọng tác động các mô tự tái tạo thay vì hình thành sẹo" - Maksim Plikus - nhà nghiên cứu thuộc ĐH California, Irvine (Mỹ) cho biết.

Một số nghiên cứu trước kia đã chỉ ra rằng quá trình phục hồi tế bào chất béo và các nang lông có thể tách biệt, nhưng không độc lập. Nang lông luôn phục hồi trước.

Nếu dùng protein này trong quá trình phục hồi vết thương, da có thể liền lại mà chẳng hề có sẹo.
Nếu dùng protein này trong quá trình phục hồi vết thương, da có thể liền lại mà chẳng hề có sẹo.

Nghi ngờ rằng mối quan hệ giữa 2 thứ này mang tính tương hỗ, các chuyên gia đã thử kích thích tế bào nang lông trên một con chuột bị thương. Kết quả, làn da của chuột không để lại sẹo. Điều tương tự cũng xảy ra khi thử nghiệm trên da người.

Các chuyên gia cho biết, tế bào nang lông khi được kích thích sẽ phát ra tín hiệu dưới dạng protein hình thái (BMP). Chính protein này có thể biến các tế bào nguyên sợi thành chất béo. Và nếu dùng protein này trong quá trình phục hồi vết thương, da có thể liền lại mà chẳng hề có sẹo.

Theo Cotsarelis: "Tế bào nguyên sợi vốn được cho là không thể chuyển thành tế bào khác. Nhưng với nghiên cứu này thì có thể".

Tuy nhiên, Cotsarelis cũng chỉ ra rằng nghiên cứu mới đang dừng ở mức thử nghiệm. Đúng là chuột và da người có cho thấy hiệu quả, nhưng da người ở đây chỉ là mẫu thử trong phòng thí nghiệm. Rõ ràng việc kích thích tế bào nang lông trên cơ thể sống khó hơn rất nhiều.

Có điều, nếu các thí nghiệm trong tương lai tìm ra cách để kiểm soát protein BMP, đó sẽ là một bước đột phá đối với ngành thẩm mỹ trên thế giới.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.

Cập nhật: 10/01/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3,54
  • 2.682