Da cá tuyết có thể chữa lành vết thương

  •  
  • 617

Công ty Kerecis của Ireland cho biết da cá tuyết có thể được dùng như liệu pháp mới trong điều trị các vết thương mãn tính, bao gồm loét chân do biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, lở loét lưng hoặc mông do nằm điều trị bệnh trong thời gian dài, vốn đau đớn và khó lành.

Theo công ty Kerecis, da của loài cá tuyết (đánh bắt ở Đại Tây Dương) trước tiên được xử lý để loại bỏ hết các tế bào, chỉ chừa lại phần mô liên kết vào mỡ. Sau quá trình khử trùng, chúng sẽ được đắp lên vết thương giống như một khung mô tự nhiên để tạo môi trường cho mô mới phát triển. Sau một thời gian, lớp da cá đã qua xử lý này sẽ biến đổi thành mô sống. Ưu điểm lớn nhất của loại vật liệu trị thương từ da cá tuyết là nó có đặc tính tương tự da người nhưng lại chứa dầu omega 3, có tác dụng chống viêm và hỗ trợ quá trình làm lành vết thương.

Da cá tuyết có thể chữa lành vết thương
Da cá tuyết (trái) có khả năng điều trị vết thương mãn tính. (Ảnh: Daily Mail)

Trong thử nghiệm đầu tiên trên 10 bệnh nhân cho thấy vết thương của họ đều được cải thiện và 6 người trong đó đã lành hoàn toàn chỉ trong 28 ngày. Kết quả thử nghiệm sau 1 năm điều trị trên 37 bệnh nhân khác, vết thương của 36 người đã cải thiện rõ rệt. Mặc dù tình trạng bệnh nhân còn lại không thay đổi nhưng vết thương cũng không chuyển biến xấu đi.

Trong một nghiên cứu khác về da, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng đế Lon Don (Anh) lần đầu tiên xác định được 2 loại tế bào nguyên bào sợi có tính chất khác nhau - một loại cần thiết cho sự hình thành và phát triển nang lông, một loại có khả năng chữa lành vết thương trên da.

Nguyên bào sợi là loại tế bào tìm thấy trong mô lên kết của các cơ quan trong cơ thể với chức năng sản xuất các prôtêin như collagen. Lâu nay người ta tin rằng tất cả nguyên bào sợi đều là cùng một loại tế bào. Tuy nhiên, các nhà khoa học sau quá trình nghiên cứu trên chuột phát hiện số lượng các nguyên bào sợi có thể tăng lên do những tín hiệu từ lớp biểu bì bên ngoài và sự gia tăng này thúc đẩy hình thành nang lông trong quá trình làm lành vết thương. Như vậy, bằng cách kích thích sự phát triển của nguyên bào sợi, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể chữa lành tổn thương trên da, ngừa sẹo cũng như giảm thiểu tác động lão hóa đối với làn da.

Theo Báo Cần Thơ, Daily Mai, King’s College London
  • 617