Hóa thạch được khai quật ở miền nam Australia tiết lộ một loài đại bàng tiền sử khổng lồ có sải cánh dài tới 3m.
Mô phỏng đại bàng tiền sử săn mồi. (Ảnh: Julio Lacerda).
Theo nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Điểu học, loài mới được đặt tên là Dynatoaetus gaffae sống cách đây từ 50.000 đến 70.000 năm và là loài đại bàng lớn nhất từng sống ở Australia, thậm chí có khả năng là loài đại bàng lớn nhất hành tinh vào thời điểm đó. Ngoài sải cánh khổng lồ, nó còn có các móng vuốt dài tới 30cm, Live Science hôm 20/3 đưa tin.
Hóa thạch của sinh vật bao gồm xương cánh, chân, móng vuốt, xương ức và hộp sọ được tìm thấy trong một hang động thẳng đứng sâu 17 m ở bang South Australia. Phân tích xương cho thấy Dynatoaetus gaffae có thể có hình dạng tương tự loài đại bàng săn khỉ hay đại bàng Philippines (Pithecophaga jefferyi) còn sống ở châu Á hiện này, nhưng có kích thước lớn gấp đôi.
"Dynatoaetus gaffae và Pithecophaga jefferyi đều có đôi chân to và khỏe so với kích thước của chúng, giúp tấn công và quắp những con mồi lớn", nhà cổ sinh vật học Trevor Worthy từ Đại học Flinders ở Australia, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Đại bàng Philippines còn sống hiện nay. (Ảnh: eBird).
Vào thời đại của Dynatoaetus gaffae, Australia tràn ngập những sinh vật khổng lồ khác, bao gồm cả những loài chim lớn không biết bay, chuột túi khổng lồ (Procoptodon sp.), kỳ đà khổng lồ (Varanus priscus) và thú có túi giống gấu (Diprotodon optatum). Các nhà nghiên cứu tin rằng Dynatoaetus gaffae có thể đã săn lùng con non hoặc những cá thể nhỏ và ốm yếu của những loài này. Con mồi của chúng có thể lớn bằng chuột túi xám phương Tây (Macropus fuliginosus) cao 1,3m ngày nay.
Chỉ có hai loài đại bàng đã tuyệt chủng được cho là lớn hơn Dynatoaetus gaffae. Một là Gigantohierax suarezi chuyên săn bắt động vật gặm nhấm khổng lồ ở Cuba cách đây 5.000 - 12.000 năm và loài còn lại là đại bàng Haasts khổng lồ (Hieraaetus moorei) ở New Zealand tuyệt chủng vào khoảng năm 1400. Cả hai đều có sải cánh rộng như Dynatoaetus gaffae nhưng nặng hơn.