Đại dương nóng lên từ khi nào?

  •  
  • 1.296

Nghiên cứu mới cho thấy các đại dương của thế giới đã bắt đầu nóng lên cách đây hơn 100 năm, gấp đôi thời gian được biết trước đây.

Kết quả nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kỷ lục mực nước biển dâng của Trái đất, một phần do nước giãn nở xảy ra khi nó nóng lên. Chuyên gia hải dương học Dean Roemmich thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ) cho biết: “Nhiệt độ là một trong những dấu hiệu nền tảng nhất về tình trạng vật lý của đại dương. Chỉ cần biết các đại dương đang nóng lên sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc về khí hậu”.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt

Từ năm 1872 đến năm 1876, tàu HMS Challenger đã thực hiện hải trình 69.000 hải lý, băng qua Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đã đo nhiệt độ ở các độ sâu khác nhau tại mỗi điểm dừng bằng nhiệt kế chống áp suất.

Roemmich cùng các đồng sự đã so sánh hồ sơ nhiệt độ này với dữ liệu từ dự án Argo thời hiện đại, vốn sử dụng phao trôi giạt tự do để đo nhiệt độ và độ mặn của các đại dương 10 ngày 1 lần. Sự so sánh này cho thấy nhiệt độ tăng 1,1 độ F (0,59 độ C) ở bề mặt đại dương trong 135 năm qua. Trước đây, đại dương nóng lên là do băng tan chảy và hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt. Roemmich và các cộng sự cho rằng, trung bình nhiệt độ đại dương toàn cầu tăng 0,59 độ F (0,33 độ C) ở độ sâu khoảng 700m. Sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu này gấp 2 lần những gì mà các nhà khoa học đã quan sát trong nửa thế kỷ qua, điều đó cho thấy các đại dương đã nóng lên từ lâu chứ không phải chỉ mới trong vài thập niên gần đây. Phát hiện trên cũng giúp tăng cường hiểu biết về sự mất cân bằng “ngân sách năng lượng” của hành tinh xanh. Các nghiên cứu trước đây cho thấy trái đất hấp thu nhiều nhiệt hơn tỏa nhiệt, và rằng 90% số nhiệt thừa vốn đã được bổ sung vào hệ thống khí hậu kể từ những năm 1960 được tích trữ trong các đại dương.

Nếu sự giãn nở nhiệt được cho là tác nhân chủ yếu của sự gia tăng mực nước biển thì Roemmich tin rằng, kết quả của cuộc nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kỷ lục lịch sử của mực nước biển dâng, vốn liên tục tăng kể từ thế kỷ 19 đến nay. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên chuyên san Nature Climate Change số tháng 4/2012.

Theo Thanh Niên
  • 1.296