Mục tiêu Chương trình đánh giá tiếp cận môi trường (TAI) nhằm đánh giá và khuyến khích hành động của các quốc gia trong các lĩnh vực: Tăng cường quyền tiếp cận thông tin môi trường của công chúng; thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định về môi trường; cải thiện quyền được tiếp cận tư pháp của công chúng; nâng cao năng lực của công chúng thực hiện các quyền tiếp cận của họ.
Vừa qua tại Huế, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp Đại học Huế tổ chức một hội thảo khoa học nhằm giới thiệu Chương trình TAI như là một phương pháp hiệu quả hỗ trợ quản lý môi trường.
Tại hội thảo, hai thí dụ thực tiễn trong công tác bảo vệ môi trường áp dụng TAI được các đại biểu hết sức quan tâm.
Thứ nhất là: Đề tài nghiên cứu điển hình phục vụ việc xây dựng chính sách và các kế hoạch hoạt động đa dạng sinh học (ĐDSH). Một trong những nghiên cứu dự án TAI do VACNE chủ trì.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm: thực hiện theo phương pháp của dự án TAI với bộ công cụ gồm 148 chỉ thị dưới dạng câu hỏi để đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; kế hoạch hành động bảo vệ ĐDSH đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 đã được xây dựng và trình Chính phủ; nghiên cứu, đánh giá sự tham gia của công chúng về mặt luật pháp, hiệu quả việc tham gia trong quá trình triển khai kế hoạch và hành động bảo vệ ĐDSH.
Từ năm 1990, thuật ngữ ĐDSH và vấn đề ĐDSH đã được quan tâm ở Việt Nam. Năm 1995, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động bảo vệ ĐDSH theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1998, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị yêu cầu: "tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản để BVMT và bảo vệ ĐDSH".
Từ năm 2000, chương trình nâng cao nhận thức ĐDSH giai đoạn 2001-2010 đã được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường phê duyệt với mục tiêu: "Giáo dục và truyền thông cho mọi thành viên trong xã hội nâng cao hiểu biết chung về ĐDSH, biết và sử dụng một cách bền vững ĐDSH, sự cần thiết phải tham gia công cuộc bảo tồn ĐDSH, có thái độ và hành động phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan bảo tồn ĐDSH".
Sau đó, trước tình hình môi trường và ĐDSH suy giảm, gây nên những tổn thất cho tài nguyên thiên nhiên và nền kinh tế Việt Nam, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 41 (11-2004) bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đồng thời năm 2004, Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam được ban hành trong đó nhấn mạnh những hoạt động ưu tiên cần được thực hiện trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH.
Thủ tướng Chính phủ cũng ra quyết định: "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị". Nâng cao nhận thức về ĐDSH cho cộng đồng là điều rất cần thiết. Từ đó mọi người hiểu rõ và ý thức được về giá trị ĐDSH, cũng như trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Mọi việc đã tốt hơn, thể hiện qua các biện pháp tiết kiệm trong các hoạt động khai thác và sử dụng ĐDSH; sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng nhiều hơn và có hiệu quả. Sự phối hợp giữa các tổ chức từ T.Ư đến địa phương ngày càng chặt chẽ, các hình thức giáo dục phong phú và sinh động hơn.
Báo cáo thứ hai là đánh giá vai trò của công chúng trong việc thay đổi dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Đại học Huế thực hiện). Theo kết quả điều tra từ phía các cơ quan tham mưu và cộng đồng người dân quanh khu vực dự án thì thấy các nỗ lực từ phía chính quyền trong việc tạo điều kiện và cơ hội cho cộng đồng còn ít được quan tâm. Phần lớn số người dân chủ yếu tiếp cận được thông tin về dự án thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua những nguồn tin từ đài, báo được phản ánh, Chính phủ đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cần nghiên cứu xem xét dự án này cùng các cơ quan chức năng và nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu phải làm đúng các quy trình pháp lý, đồng thời phải tạo ra được dư luận đồng nhất trước khi tiến hành triển khai xây dựng dự án.
Mặc dù cộng đồng chung quanh đã gặp nhiều hạn chế và bị động trong việc tiếp cận thông tin ở giai đoạn đầu của dự án, nhưng sau khi dự án công khai thì sự tham gia của công chúng đã mang lại hiệu quả trong việc làm thay đổi quá trình ra quyết định của chính quyền địa phương đối với dự án theo chiều hướng có lợi cho cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên của tỉnh. Kết quả này đã làm thỏa mãn ý nguyện và mong muốn của cộng đồng và những ai quan tâm đến dự án.
TRẨN NGỌC HẢI