Đạo chích rửa tiền qua game

  •  
  • 978

Nhờ sự giúp đỡ của một "đại ca" trong làng game đã giải nghệ, tôi có cơ hội tiếp cận thế giới của những đạo tặc online, và phát hiện một đường dây ăn cắp tài khoản tín dụng - mua vật phẩm trong game - rửa tiền bằng những thủ đoạn đáng kinh ngạc...

Mù tin học vẫn là đạo chích

Da xanh, mắt trố, người còm, Hoàng lững thững bước ra từ cái quán lụp xụp của bà Ba Béo, ở một "phố nét" gần Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Để tạo được lòng tin với Hoàng "còm", tôi đã nhờ Hùng "già" - một "đại ca" của làng game đã giải nghệ - giới thiệu với Nam "trùm", một tay buôn đồ khét tiếng, và Nam chỉ thị cho Hoàng phải giúp đỡ tôi nhiệt tình. Lần đầu gặp tôi, Hoàng khá lễ phép: "Ai chứ anh trùm đã giới thiệu thì em xin giơ cả hai tay phục vụ đại ca. Bây giờ vào quán nét của bà Béo, em sẽ free (miễn phí) cho đại ca 5 acc (account) trong Silkroad online nhé (phiên bản quốc tế game Con đường tơ lụa)".

Với chiếc bàn phím cũ rích bấm đến đau tay, Hoàng thao tác bằng tốc độ mà những nhân viên đánh máy chuyên nghiệp nhất cũng phải chào thua. Nó dùng toàn phím tắt, mắt dán chặt vào màn hình.

Thanh đại đao cấp 7, được xếp vào hàng "khủng" trong Silkroad Online

Việc đầu tiên Hoàng làm là mở e-mail, trong đó có sẵn cả trăm acc "chùa" được nó mua hoặc xin từ bạn bè. Sau đó, Hoàng mở những trang web thanh toán trực tuyến như paypal, visa mastercard..., lần lượt thử hết acc này đến acc khác. Sau khoảng 5 acc đầu tiên không thể đăng nhập vì sai password (do chủ thẻ đổi pass) hoặc tài khoản đã hết hạn sử dụng, Hoàng trấn an tôi: "Hồi này bọn nó gửi cho em toàn acc lỡm, đến 60% là không vào được. Nhưng anh yên tâm, trong gần 400 acc em có đây, kiểu gì chẳng có chục chiếc phục vụ ông anh".

Nó nói thêm: "Dùng paypal dễ hơn visa vì paypal chỉ cần thông tin về username và password, cái đó thì mình được bọn hacker cung cấp rồi, còn visa nó đòi phải trả lời đầy đủ các thông tin từ chủ tài khoản như tên tuổi, câu hỏi bí mật..., mà cái đó thì thường mình không có đủ". Hoàng còn tiết lộ: "Một số trang web không chấp nhận giao dịch từ IP Việt Nam nên tụi em còn dùng một phần mềm chuyển thành IP nước ngoài mới có thể giao dịch được".

Sau chừng 10 phút, Hoàng reo lên khe khẽ: "Đây rồi, mày chết với ông". Một tài khoản đã được đăng nhập. Ngay sau đó, nó đăng ký tới 5 nhân vật trên game Silkroad, chuyển khoản cho nhà cung cấp rồi vào Items Mall (nơi bán vật dụng hỗ trợ cho người chơi) để mua astral (tăng tỷ lệ thành công khi nâng cấp đồ đạc), vật phẩm nhân đôi điểm kinh nghiệm và một con khỉ nhặt đồ. Hoàng cho mỗi món đồ vừa mua vào một nhân vật vừa đăng ký và ngước lên bảo tôi: "Xong rồi nhé, anh lấy giấy bút ghi username và password của mấy nhân vật em vừa lập đi, rồi chuyển đồ vào con (nhân vật) mà anh muốn lên level cao hơn". 

Tôi rủ Hoàng ăn tối, nó cứ xuýt xoa khen đồ ăn ngon: "Cả tháng trời hầu như em không ra ngoài, ăn toàn mì tôm với bánh mì". Hoàng nhìn xuống mâm cơm: "Em cũng định làm một tháng nữa thôi, kiếm mấy triệu tiêu Tết rồi nghỉ, chứ làm thế này nguy hiểm lắm, em đi tù một lần rồi, giờ cứ nghĩ vào bóc lịch là rùng cả mình". "Anh muốn kiếm ít đồ của game Việt Nam, chú giúp anh được không?", tôi hỏi. Hoàng đặt chiếc bát xuống bàn, phân vân: "Cũng nhiều người đặt em làm game Việt, nhưng nguy hiểm lắm. Làm game quốc tế tắt máy là xong, làm game Việt không biết bị tóm lúc nào".

Điều làm tôi bất ngờ là Hoàng (17 tuổi) chỉ mới học hết lớp 7, một chữ tiếng Anh, một thuật ngữ tin học cũng không biết. "Tất cả đều do thói quen, ấn cái gì, ở góc nào, em chẳng cần biết nghĩa của từ đó, cứ quen tay là làm được", Hoàng giải thích.

Chiếc cung SOS trị giá 800 - 1.000 USD từng được Nam rao bán
Hoàng kể, nó chơi game từ năm 2003, do không có tiền chơi, Hoàng được Nam "trùm" chi tiền nuôi cả tháng. Sau đó Hoàng được Nam dạy cho cách đăng ký tài khoản, học cách giao dịch qua mạng để dùng acc "chùa" mua đồ trong game. Tiền ăn cắp nên Hoàng tiêu không biết xót, sẵn sàng bỏ hàng trăm USD để có được nhân vật hùng mạnh và bước lên hàng minh chủ võ lâm trong thời gian cực ngắn.

Hoàng mở ví ra khoe: "Mấy thằng bọn em một tí tiếng Anh cũng không biết nhưng đứa nào cũng có vài cái thẻ ANZ, Visa Mastercard... Sau khi đặt mua được đồ, chuyển vào nhân vật như em vừa đưa anh, em giao cho anh Nam rồi nhận 5% số tiền. Một acc hack được trị giá 100 USD thì em được chừng 3-4 USD, ngày làm vài cái sống cũng tạm được. Anh Nam được gọi là "trùm" vì lo đầu ra cho hàng chục thằng dùng acc chùa mua đồ như em".

Con đường thành "trùm"

Hoàng chỉ là một mắt xích, người đứng sau thao túng cả đường dây ở khu vực này chính là Nam "trùm".

Năm 2000, Nam chỉ là một cậu SV bình thường chơi game bằng tiền xin mẹ. Sau một thời gian, Nam bắt đầu tập buôn bán đồ trên game theo hình thức C2C (giữa người chơi với người chơi). Nam mua của người chán bán cho người thèm, cứ thế dần dần trở thành một trung gian luôn có trong tay hàng tá món đồ đắt tiền. Tuy nhiên, làm thương lái trên game như vậy không ăn chênh lệch nhiều.

Một lần, qua trao đổi với người bạn du học ở Hàn Quốc, Nam đã được chỉ cách dùng tài khoản thanh toán trực tuyến (ăn cắp được) mua đồ trong game. "Nhưng làm như thế rất dễ bị kiện. Khi chủ thẻ thấy mất tiền, họ sẽ truy ra được tiền của họ đã chuyển đến đâu. Họ sẽ kiện nhà cung cấp game, nhà cung cấp sẽ khóa nhân vật của mình ngay lập tức" - với suy luận ấy, Nam đã nghĩ ra cách chuyển đồ vào các nhân vật mới lập rồi từ đó chuyển sang nhân vật mình đang chơi.

Có học và từng nhiều năm buôn bán, Nam thừa hiểu những rủi ro của cách làm trực tiếp. Và nếu ăn cắp tài khoản như vậy cũng chỉ có thể phục vụ cho một nhân vật trong game. Từ ý nghĩ kiếm tiền qua game, Nam huy động 3-4 đệ tử như Hoàng "còm", Long "cóc", Phương "trọc"..., chuyển giao cách chuyển tiền, cách mua đồ từ acc "chùa" rồi biến chúng thành đầu mối cung cấp hàng, Nam chỉ lo tiêu thụ hàng ăn cắp.

Công nghệ rửa tiền 

Áo đấu Chelsea (giá khoảng 1,5 triệu đồng), khăn quàng (giá 500 ngàn đồng) được chuyển về VN cho Nam, khép kín công đoạn rửa tiền - Ảnh: T.P

Để nâng cao "uy tín" trong thế giới ảo, Nam đã xây dựng một nhân vật vào hàng "khủng bố". Trong một thời gian ngắn, Nam có thể tu luyện cho nhân vật của mình trở thành "minh chủ võ lâm" bởi ít người dám bỏ hàng trăm USD để có 1 món đồ, nhưng hắn thì "vô tư" bởi tiền đó là tiền chùa, chủ thẻ phải trả tiền chứ hắn đâu mất đồng nào. Sau đó, với uy tín của một trong những nhân vật sừng sỏ "có số" trong game, Nam rao bán đồ hoặc bảo lãnh cho đàn em bán đồ. Nam đưa tôi xem hàng chục tin nhắn đặt mua đồ qua điện thoại của người chơi từ Úc, Nhật, Hàn, nhiều nhất là từ Trung Quốc... và hàng trăm e-mail trên game.

"Một ngày nhiều nhất ông bán được bao nhiêu đồ?", tôi hỏi. Nam trả lời: "Cũng tùy game, nếu ở Silkroad, có ngày tôi bán được chừng 100 món đồ lấy gold (vàng trong game), rồi bán gold cho người chơi khác để lấy tiền thật. Tính ra USD thì có ngày cũng được chừng 200". "Họ thanh toán cho ông bằng cách nào, tiền có gửi vào mấy cái thẻ kia không?", tôi chỉ vào tấm thẻ ANZ trên tay Nam.

Nam lắc đầu: "Làm thế để đưa tay vào còng à, để tiền về với mình phải bay qua nửa vòng trái đất nữa". Nam nhờ một người bạn ở nước ngoài lập tài khoản bằng thẻ thanh toán quốc tế. Người chơi muốn mua gold sẽ gửi tiền vào tài khoản của bạn Nam ở nước ngoài. Nam lại có một kênh chuyên cung cấp quần áo thể thao, đồ điện tử..., thông qua người bạn chuyển về theo dạng quà tặng.

"Thằng Nam không đời nào ra bưu điện. Khi có hàng, sẽ có một bọn đệ tử ra bưu điện lấy, mang thẳng đến địa chỉ cần nhận, tiền lấy sau", Hùng "già", sau khi nghe tôi kể, giải thích thêm về khâu cuối cùng trong chu trình rửa tiền qua game.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của Hùng "già", tôi mới nắm được quy trình khép kín từ tiền lấy cắp ở các thẻ tín dụng đến những món đồ thể thao hàng hiệu. Hùng hệ thống lại quy trình: Trước hết, bọn chuyên ăn cắp mật khẩu thẻ tín dụng dùng phần mềm gián điệp tấn công vào các website bán hàng trực tuyến hoặc máy tính của chủ thẻ để lấy thông tin, sau đó bán rẻ (hoặc công bố "free" trên mạng) cho các tay chuyên chuyển tiền phi pháp. Ví dụ Hoàng "còm" có thể lấy acc "chùa" trên một số website, nhưng có đến 90% là các thẻ đã bị đổi pass hoặc hết hạn.

Thường là bọn chúng có đường dây riêng, bỏ vài trăm ngàn đồng để có được vài chục thẻ đã bị hack, rồi từ đó chuyển khoản để mua các vật dụng hỗ trợ người chơi game (khuynh hướng của các nhà cung cấp game online hiện nay là không thu phí, chỉ bán vật dụng hỗ trợ bằng tiền thật). Đó là giai đoạn 1, dùng tiền "bẩn" mua đồ trong game.

Giai đoạn 2, đạo chích chuyển vật phẩm vào nhân vật mới lập và bán cho các đầu nậu như Nam "trùm" với giá chừng 3- 5% giá trị thật. Nam bán vật phẩm cho người chơi khác lấy gold, rồi bán gold với giá chỉ bằng 50% giá trị thật để lấy USD qua một tài khoản ở nước ngoài. Số tiền đó sẽ được dùng mua quần áo thể thao, hàng điện tử... rồi chuyển về qua đường bưu điện theo dạng quà tặng.

Vậy là đồng tiền "bẩn" đã được rửa sạch...

Thanh Phong - Phi Hùng
Theo Thanh Niên
  • 978