Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao làm nhiều nơi trên đảo Phú Quốc chìm sâu trong nước, giao thông bị chia cắt. Trong khi đó bên đất liền lũ đang lên nhanh ở nhiều tỉnh miền Tây sắp đạt báo động 2.
Trận mưa lớn kéo dài suốt ngày 28/8 làm cho đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) chìm sâu trong nước. Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đang chỉ đạo công an kết hợp cùng bộ đội biên phòng và lực lượng tại chỗ đưa phao cứu hộ, xuồng, bè... vào những nơi bị chia cắt để đưa dân đến nơi an toàn.
Nhiều nơi ở miền Tây bị cô lập bởi nước sông đang dâng cao, ảnh hưởng mưa bão. (Ảnh: Thiên Phước)
Đến tối 28/8, khu vực xã Cửa Dương có nơi ngập khoảng 1,7m. Đoạn gần ngã ba Nông trường của xã Cửa Dương nước ngập gần đến thắt lưng suốt tuyến đường 4km.
Tại thị trấn Dương Đông của huyện Phú Quốc tối 28/8 có nơi nước ngập đến nửa thân cây dừa làm cho ấp Bến Tràm bị cô lập. Để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc, người dân phải căng dây giữa tìm đường để lần mò ra ngoài, tìm cách trèo lên ghe của lực lượng cứu hộ. Tại xã Cửa Cạn rất nhiều gia súc, gia cầm còn kẹt trong chuồng.
Lũ miền Tây lên nhanh có nơi sắp đạt báo động 2 uy hiếp ruộng lúa, hoa màu nhưng mang lại cá tôm cho ngư dân. (Ảnh: Thiên Phước)
Trong khi đó lũ ở thượng nguồn tiếp tục đổ mạnh về các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp… đe dọa hàng ngàn hecta lúa vụ thu đông.
Tối 28/8 nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên đến 3,85m gần mức báo động 2. Trên Sông Hậu nước đã vượt báo động 1 ở khu vực Châu Đốc và đang lên rất nhanh. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân ở những nơi bị ngập sâu đưa trẻ em và người già đến nơi an toàn.
Lũ đến sớm nhưng do giá lúa tăng cao nên nông dân nhiều tỉnh miền Tây ồ ạt xuống giống lúa thu đông với diện tích trên 500.000ha tập trung ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… Một số địa phương nước lũ dâng ngập đọt lúa nên nông dân không thể chăm sóc và chắc chắn bị thiệt hại.
Tuy nhiên, nhiều người dân vùng lũ cho biết, thấy nước trắng đồng lại vui mừng bởi lũ về mang theo nhiều tôm cá là nguồn lợi nhuận lớn cho ngư dân miền Tây.