Đi tiểu liên tục, chảy máu âm đạo hay có dịch bất thường, đau vùng chậu... là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung.
Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu này, bạn nên đi thăm khám để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời.
Khoảng 99% trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus lây nhiễm qua đường tình dục. Có hơn 100 loại virus HPV, nhiều loại trong số đó vô hại. Nhưng một số loại có thể gây thay đổi bất thường cho các tế bào cổ tử cung, nguy cơ dẫn đến ung thư. Các chủng virus gây ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là HPV 16 và HPV 18.
Khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới được phát hiện mỗi năm. Tuy nhiên, tiến sĩ Connie Trimble, Giám đốc Trung tâm Loạn sản cổ tử cung của Đại học Johns Hopkins, cho biết không phải ca nhiễm virus HPV nào cũng chuyển thành ung thư. Theo bà Connie, nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung của virus HPV rất thấp.
90% phụ nữ nhiễm HPV sẽ tự khỏi bệnh trong vòng 2 năm. Chỉ một số ít người có chủng HPV gây ung thư phát triển thành bệnh ác tính.
Theo quỹ NHS của Anh, ung thư cổ tử cung cũng như những bệnh hiểm nghèo khác không có cách ngăn ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta có cách để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức trên khuyến cáo phụ nữ nên kiểm tra cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường của tế bào trong cơ quan này.
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung thường không rõ rệt. (Ảnh: Freepik).
Ngay cả khi được tiêm phòng HPV, chuyên gia cũng khuyên bạn nên tầm soát và theo dõi các thay đổi của cơ thể, nhất là tình trạng chảy máu âm đạo bất thường hay xuất huyết khi quan hệ.
Người mắc ung thư cổ tử cung còn gặp tình trạng đau rát, tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi. Vùng lưng dưới, xương chậu đau. Ở giai đoạn cuối của bệnh, khối u ác tính đã lan ra khỏi cổ tử cung, xâm nhập các mô và cơ quan xung quanh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay ung thư cổ tử cung là loại phổ biến thứ 4 ở phụ nữ. Năm 2018, thế giới có khoảng 570.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Khoảng 311.000 người đã tử vong vì bệnh này.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia ung thư của City of Hope, tất cả phụ nữ đều có khả năng mắc bệnh, không kể tuổi tác. Do đó, tổ chức này khuyên phụ nữ trên 21 tuổi nên khám tổng quát phụ khoa hàng năm và xét nghiệm tế bào cổ tử cung PAP định kỳ.
Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm PAP 3 năm/lần. Nữ giới từ 30 đến 64 tuổi nên xét nghiệm 5 năm/lần.