Theo đánh giá của phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Tuất, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng.
Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ di truyền tạo cá rô đơn tính...
Việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa một số sản phẩm nông nghiệp đã được thực hiện tại một số doanh nghiệp ở các địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Ở Việt Nam đã hình thành những khu nông nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội và Hải Phòng xây dựng được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng cách nhập khẩu trọn gói công nghệ của Israel để sản xuất rau sạch và hoa tươi.
Đặc biệt, Công ty Hasfarm tại Đà Lạt (Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ của Hà Lan để trồng hoa hồng, cúc, đồng tiền, lily cho hiệu quả kinh tế cao gấp 20-30 lần so với trồng hoa thông thường.
Tại thành phố Hồ Chí Minh hình thành dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, với quy mô gần 90ha để nghiên cứu công nghệ, trình diễn công nghệ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi-thú y và thủy sản.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của sản xuất nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam gồm 12 đơn vị, trong đó nòng cốt là Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ... đã và đang nỗ lực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cao, nhằm tạo ra những sản phẩm vượt trội hướng tới thị trường ngoài nước./.