Đây mới là những thứ thực sự tạo ra một đế chế La Mã huy hoàng thịnh trị

  •  
  • 1.129

Đế chế La Mã dù đã sụp đổ từ hơn 1500 năm trước, nhưng những di sản hữu hình và vô hình nó để lại vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Với những người thợ thủ công, những kiến trúc sư và những kỹ sư xuất sắc, cùng sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ tại thời điểm đó, họ đã xây dựng nên một nền văn minh trường tồn cùng thời gian. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem, đâu là những phát minh mấu chốt giúp tạo ra một thời đại huy hoàng đến vậy.

Cầu dẫn nước

Cầu dẫn nước
Hệ thống dẫn nước này sử dụng trọng lực để vận chuyển nước thông qua các đường nước được đào sẵn.

Người La Mã dường như có một niềm hứng thú đặc biệt với các công trình công cộng: các khu vệ sinh công cộng, bồn tắm công cộng, các đài phun nước… Nhưng những thiết kế này rất có thể chỉ dừng ở mức ý tưởng, nếu như phát kiến về hệ thống cầu dẫn nước không ra đời. Lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 312 trước Công nguyên, hệ thống dẫn nước này sử dụng trọng lực để vận chuyển nước thông qua các đường nước được đào sẵn. Nước từ đó được vận chuyển trực tiếp từ sông hồ tới trung tâm La Mã, sau đó phân phối đi khắp nơi nhờ vào hệ thống đường ống và cống ngầm. Hệ thống cầu dẫn nước này đã giúp đế chế La Mã trở nên ít phụ thuộc vào các nguồn nước ven sông và hồ.

Hàng trăm đường cầu dẫn nhanh chóng phủ kín toàn bộ đế chế La Mã, để từ đó cung cấp nước cho sinh hoạt, cho hệ thống nông nghiệp. Có những đường cầu dẫn vận chuyển nước ở khoảng cách lên tới 60 dặm. Nhiều đường cầu dẫn nước được thiết kế tốt tới mức, nó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Bê tông

Bê tông
Xuất hiện từ khoảng 2100 năm trước, loại bê tông này xuất hiện trong đủ mọi chi tiết kiến trúc.

Nhiều công trình kiến trúc La Mã cổ đại vẫn còn đứng vững được cho tới ngày nay là nhờ sự có mặt của loại vật liệu xây dựng này. Xuất hiện từ khoảng 2100 năm trước, loại bê tông này xuất hiện trong đủ mọi chi tiết kiến trúc, từ hệ thống cầu dẫn nước cho tới các tòa nhà, các cây cầu, và thậm chí là cả các tượng đài hùng vĩ.

Bê tông La Mã được cho là chịu lực yếu hơn so với bê tông hiện đại, nhưng nó đã chứng tỏ được tính bền vững đáng kinh ngạc nhờ vào thành phần cấu thành chính của mình là hỗn hợp vữa xi măng pha trộn giữa đá vôi và tro núi lửa. Công thức độc đáo này đã chứng minh giá trị của mình, mà bằng chứng là những công trình La Mã cổ đại vẫn sừng sững hiên ngang dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Báo chí

Báo chí
Tin tức hàng ngày cực kỳ phổ biến trong xã hội La Mã cổ đại.

Khái niệm Acta Diurna, có nghĩa là “tin tức hàng ngày” đã trở nên cực kỳ phổ biến trong xã hội La Mã cổ đại. Khái niệm này lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 131 trước Công nguyên, và nó bao gồm những tin tức liên quan tới các chiến thắng quan sự, lịch thi đấu cũng như các ứng viên tại võ đài giác đấu, và thậm chí là cả những tin tức giật gân về những nhân vật nổi tiếng.

Thậm chí, các thông tin chính trị cũng được ban bố dưới dạng Acta Senatus, tuy nhiên, các thông tin này không được công bố rộng rãi trong công chúng. Mãi cho tới năm 59 trước Công nguyên, Julius Caesar mới bắt đầu cho lưu hành rộng rãi các nguồn tin này.

Trợ cấp xã hội

Trợ cấp xã hội
Các chương trình trợ cấp xã hội đã xuất hiện từ khoảng năm 122 trước Công nguyên.

Mô hình chính trị của đế chế La Mã cổ đại là nguồn ý tưởng vô tận cho các mô hình tân tiến hơn sau này. Một trong số đó là cách thức bảo đảm các nhu cầu tối thiểu về thực phẩm, giáo dục và các nhu cầu khác cho mọi công dân của họ. Các chương trình trợ cấp xã hội đã xuất hiện từ khoảng năm 122 trước Công nguyên, khi Gaius Gracchus ban hành đạo luật Lex Frumentaria, bắt buộc chính phủ phải hỗ trợ dân nghèo trong việc mua gạo giá rẻ. Trajan tiếp tục phát triển và mở rộng chính sách này, bằng cách hỗ trợ cả về mặt thực phẩm, quần áo và giáo dục đối với các trẻ em thuộc hộ nghèo và các trẻ mồ côi.

Rất nhanh chóng, ngô, dầu, rượu, bánh mỳ và thịt được đưa vào danh mục các mặt hàng nhu yếu phẩm được kiểm soát giá để hỗ trợ cho các gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Điều này giúp chính quyền La Mã thu phục được tình cảm của dân chúng, nhưng chính chế độ “từ thiện” quá tay này cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền La Mã cổ đại.

Sách đóng tập

Sách đóng tập
Các trang sách đầu tiên được làm bằng sáp, nhưng sau đó chúng được thay thế bằng giấy da.

Trong suốt một thời kỳ dài, các tài liệu đều được trình bày dưới dạng thẻ và giấy cuộn. Chính người La Mã đã là những người tiên phong trong việc chồng các trang sách lên nhau và cho ra đời thứ được coi là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Các trang sách đầu tiên được làm bằng sáp, nhưng sau đó chúng được thay thế bằng giấy da.

Kỹ thuật đóng sách mau chóng được những người Thiên Chúa giáo áp dụng, và đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của một trong những cuốn sách cổ đại nổi tiếng: Kinh Thánh.

Những con đường và xa lộ

Những con đường và xa lộ
Rất nhiều những con đường La Mã cổ đại vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Khi còn ở thời kỳ hưng vượng, đế chế La Mã cổ đại đã phủ quyền lực của mình gần như tới khắp Nam Âu, với tổng diện tích lãnh thổ lên tới gần 1,7 triệu mét vuông. Để bảo đảm sự cai trị có hiệu quả trên một khu vực rộng lớn như vậy, người La Mã đã cho xây dựng một mạng lưới giao thông vận tải đồ sộ và tinh vi nhất mà loài người từng được chứng kiến. Rất nhiều những con đường La Mã cổ đại đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Các kỹ sư La Mã cổ đại luôn tuân theo những quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt trong thiết kế và xây dựng. Và tới năm 200 sau Công nguyên, tổng cộng, họ đã tạo ra hơn 50,000 dặm (81,000km) đường, chủ yếu phục vụ cho công cuộc chinh phạt của quân đội La Mã. Những con đường này giúp cho đạo quân của họ có thể di chuyển với vận tốc lên tới 25 dặm (40km) mỗi ngày.

Những con đường này cũng được quản lý theo cách khá giống với ngày nay: các cột mốc và các biển chỉ đường cung cấp thông tin về khoảng cách tới một số địa điểm, đồng thời có những đạo quân đặc biệt đóng vai trò tuần tra thường xuyên trên những tuyến đường này.

Vòm La Mã

Vòm La Mã
Tthiết kế vòm là một đặc trưng tiêu biểu cho phong cách kiến trúc La Mã cổ đại.

Khái niệm vòm đã xuất hiện từ cách đây khoảng 4000 năm, nhưng chính người La Mã đã biến nó thành chi tiết đặc trưng trong mọi thiết kế của mình. Nhờ vào thiết kế vòm, trọng lực của toàn bộ công trình sẽ được phân phối đều dọc trên các chi tiết chịu lực, từ đó giúp các tòa nhà đồ sộ như đấu trường Colosseum không sụp xuống trước sức nặng khổng lồ của chính mình.

Các kỹ sư La Mã cổ đại đã cải tiến thiết kế dạng vòm này bằng cách biến chúng thành các thiết kế dạng vòm phân đoạn, và áp dụng chúng vào vô số các chi tiết chịu lực. Nhờ đó, đoạn chịu lực sẽ được kéo dài hơn và giúp cho các thiết kế như cầu, hay cầu dẫn nước trở nên vững bền hơn. Cùng với thiết kế dạng cột, thiết kế vòm đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu cho phong cách kiến trúc La Mã cổ đại.

Lịch Julian

Lịch Julian
Lịch Julian dựa trên cách tính lịch theo quỹ đạo Mặt trời.

Loại lịch Dương lịch mà chúng ta vẫn sử dụng thực chất có nguồn gốc từ một loại lịch La Mã cổ xưa, với tuổi thọ đã lên tới 2000 năm. Từ thuở sơ khai, người La Mã áp dụng cách tính lịch của người Hy Lạp dựa trên các tuần trăng, nhưng do quan niệm xui xẻo về các số chẵn, họ đã thay đổi lại cách tính lịch để đảm bảo rằng mỗi tháng đều có số ngày lẻ. Cách tính này kéo dài cho tới năm 46 sau Công nguyên, khi Julius Caesar và nhà thiên văn học Sosigenes đưa ra lịch Julian, dựa trên cách tính lịch theo quỹ đạo Mặt trời.

Caesar đã kéo dài 1 năm từ 355 ngày thành 365 ngày và 12 tháng. Đây tưởng chừng như đã là loại lịch hoàn hảo, nhưng nó vẫn có sự sai lệch 11 phút mỗi năm. Mãi đến năm 1582, lịch Gregorian ra đời, sửa chữa những sai lệch này và trở thành loại lịch phổ biến nhất cho đến ngày nay.

Luật 12 bảng

Luật 12 bảng
Luật 12 bảng nêu rõ các điều luật về tài sản, tôn giáo và hôn nhân.

Luật 12 bảng chính là nền tảng tạo thành nền dân chủ cộng hòa sơ khai thời La Mã cổ đại. Được áp dụng chính thức vào năm 450 sau Công nguyên, luật 12 bảng nêu rõ các điều luật về tài sản, tôn giáo và hôn nhân, đồng thời liệt kê hình phạt cho đủ loại tội phạm, từ trộm cắp cho tới tội thực hành ma thuật dị giáo.

Khi đế chế La Mã sụp đổ, các điều luật này vẫn giữ được sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên các thể chế khác. Cùng với luật Anh và luật Sharia, các điều luật La Mã cổ đại là yếu tố cơ bản cấu thành nên bộ luật dân sự của hầu hết các quốc gia châu Âu cũng như Hoa Kỳ.

Cập nhật: 10/04/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.129