Xin giới thiệu với bà con phương pháp kỹ thuật để đu đủ sai quả và lâu cỗi.
Chọn giống trồng:
Nên chọn các giống đu đủ lai F1 (Hồng Phi, Trạng Nguyên của Đài Loan) sẽ cho năng suất cao, quả đồng đều, chất lượng tốt. Đu đủ gồm nhiều giống, mỗi giống đều có 3 loại cây: Đực, cái, lưỡng tính do đó khi trồng vườn lớn nên trồng thêm một số cây đực theo tỷ lệ từ 1/25- 1/30 để tăng cường sự thụ phấn chéo, cây sẽ sai hơn, quả sẽ to hơn cây tự thụ phấn.
Chọn và làm đất trồng:
Chọn đất nhiều mùn, tơi xốp, cấu tượng tốt, cao ráo, dễ thoát nước, lên líp cao hoặc đắp ụ với những nơi đất thấp vì bộ rễ đu đủ ăn nổi, "kỵ nước" dễ bị thối và chết nếu bị úng ngập sau 3-4 ngày. Không được trồng đu đủ liên tục nhiều vụ trên một diện tích vì dễ bị bệnh xoăn lá virus chưa có thuốc chữa. Nên luân canh với các cây trồng khác ít nhất 2-3 năm mới được trồng đu đủ lại.
Chăm sóc:
Đu đủ là cây ưa nắng do đó cần trồng khoảng cách và mật độ thích hợp (2- 2,5m x 3m). Không nên dùng phân hoá học, kỵ nhất là phân đạm để bón cho đu đủ vì cây dễ bị lốp (tốt lá, xấu quả), rất hấp dẫn côn trùng, gây ngộ độc cho người tiêu dùng do dư lượng nitrat (NO3) trong quả cao dễ gây đắng chát, dễ dẫn đến ung thư.
Nên bón nhiều phân chuồng, phân vi sinh, phân có nguồn gốc từ thực vật, động vật (bột ngô, đậu tương ngâm chua, bột xương cá, bã mắm, khô dầu...) sau mỗi đợt thu quả nhằm tăng cường dinh dưỡng cho cây.
Thường xuyên cung cấp đủ nước cho quả mau lớn, lớn đều. Nếu để cây bị hạn quả sẽ bị méo mó, lá bị xoăn, ngọn bị rụt, năng suất, chất lượng giảm sút. Khống chế chiều cao cây dưới 2m bằng cách cắt ngọn, trát bùn rơm hoặc bọc nilon để kích thích cây ra các ngọn mới. Chọn để lại 2-3 ngọn chồi mới khoẻ mạnh phân đều về các hướng.