Thế giới sẽ phải đối mặt với 1,5 thảm họa mỗi ngày, tương đương 560 thảm họa mỗi năm, vào năm 2030 nếu nhân loại tiếp tục làm tăng nhiệt độ trái đất và phớt lờ rủi ro của biến đổi khí hậu, đẩy thêm hàng triệu người vào tình trạng đói nghèo.
Đó là cảnh báo đưa ra hôm qua của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C mà các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tại Paris năm 2015 đang ngày một xa tầm tay.
Hậu quả thiên tai ở Trung Quốc. (Ảnh: BBC).
Theo báo cáo công bố hai năm một lần của Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong 2 thập kỷ qua, có từ khoảng 350 đến 500 thảm họa khác nhau do thiên tai gây ra được ghi nhận, từ lũ lụt, hạn hán và bão đến động đất và dịch bệnh, với mức độ từ vừa đến lớn. Các thảm họa ngày càng thường xuyên và dữ dội đã giết chết hoặc ảnh hưởng đến nhiều người hơn trong 5 năm qua so với 5 năm trước đó và có thể đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói nghèo vào năm 2030. Tuy nhiên, các chính phủ về cơ bản lại đánh giá thấp tác động thực sự của chúng đối với cuộc sống và sinh kế.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu trước đó cũng công bố báo cáo cảnh báo rằng, các tác động của biến đổi khí hậu từ nắng nóng đến hạn hán và lũ lụt sẽ trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn, gây tổn hại đến thiên nhiên và con người.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.
“Chúng ta đã chứng minh rằng phối hợp cùng nhau có thể giải quyết những thách thức lớn. Quyền được hưởng một môi trường lành mạnh đang định hình. Chúng ta phải nhanh chóng đầu tư vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, những người ở phần ít nhất trong nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này”.
Ước tính, thiên tai đã gây thiệt hại trung bình khoảng 170 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ qua, trong đó các quốc gia đang phát triển và những người nghèo nhất sinh sống tại đây phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Báo cáo lưu ý những quốc gia này đã mất trung bình 1% GDP mỗi năm, tức là gấp 10 lần so với các quốc gia có thu nhập cao. Ví dụ như ở Philippines, hàng triệu người vẫn chưa thể phục hồi sau cơn bão Rai tấn công nước này hồi tháng 12/2021, khiến hơn 300 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải di dời, cùng với thiệt hại lên tới khoảng 500 triệu USD.
Bà Mary Joy Gonzales, tại cơ quan viện trợ CARE của Philippines, cho biết để giúp đỡ những nhóm dễ bị tổn thương nhất, các chính trị gia và những người ra quyết định phải cam kết thực hiện các chính sách khí hậu tham vọng hơn và đẩy nhanh sự chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Với nhiều quốc gia đang phát triển vẫn đang phải vật lộn với những tác động kinh tế từ đại dịch, cùng với các khoản nợ và lạm phát gia tăng, sự hỗ trợ lớn hơn của quốc tế trong phòng chống rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi là rất quan trọng.