Nếu một ngày kia, nhân loại hoàn toàn biến mất, liệu những nhà khảo cổ học tương lai sẽ tìm thấy đồ ăn gì còn lại của chúng ta? Và quan trọng nhất là, liệu có còn loại nào có thể ăn tại thời điểm đó không?
Vào ngày 8 tháng Chín năm 1941, phát xít Đức vây quanh Leningrad từ phía Tây và phía Nam, và cả ở phía Bắc, qua Phần Lan. Lối thoát duy nhất là một dải đất mỏng chạy qua hồ Ladoga, cũng là mối liên lạc còn lại của cư dân Leningrad với phần còn lại của nước Nga, nhưng cũng không thể sơ tán cư dân thành phố dưới pháo kích của quân Đức. Đây là khởi đầu của cuộc vây hãm Leningrad, một trong những sự kiện gây tốn nhiều nhân mạng nhất trong lịch sử.
Cuộc vây hãm kéo dài đã tạo nên cảnh đói kém tàn khốc bên trong thành phố, với đỉnh điểm là một số trường hợp ăn cả những xác chết. Dù cho số trường hợp “ăn thịt người” là rất nhỏ so với dân số, nhưng nỗi sợ về nó đã gây ra những cơn khủng hoảng nhất định. Cảnh sát bắt đầu đe dọa sẽ nhốt một số tội phạm bên trong buồng giam với những kẻ ăn thịt người để giữ trật tự. Trong hầu hết những trường hợp bị bắt giữ vì tội ăn thịt người, những kẻ bị bắt thường là những người mẹ đơn thân, thất nghiệp, thế nên phần lớn đã nhận được thương hại, chỉ phạt tù chứ không xử tử.
Mặc cho tình trạng khắc nghiệt người ta phải đối mặt khi đó, vẫn có một nguồn thức ăn không được sử dụng. Nó nằm ở bên trong ngân hàng gene của Viện Công nghiệp Cây trồng - nơi có bộ sưu tập hạt giống lớn nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Những người chịu trách nhiệm bảo vệ hạt giống trong Viện khi đó thậm chí đã từ chối ăn những loại hạt này, dù cho đến khi cuộc vây hãm kết thúc, 9 người trong số họ đã chết. Họ mang một sứ mệnh cao cả: khi bất cứ loài cây trồng nào được lưu trữ bên trong Viện trở nên tuyệt chủng ở thế giới bên ngoài, những hạt, củ này có thể được sử dụng. Và khi Hồng quân Liên Xô cuối cùng cũng giải tỏa được vòng vây vào ngày 18 tháng Một năm 1943, gần hai năm rưỡi kể từ ngày cuộc vây hãm bắt đầu, ngân hàng hạt giống vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.
Câu hỏi đặt ra là, nếu một ngày loài người phải đối mặt với một thảm họa tương tự, dù là một ngày tận thế hạt nhân hay là do chiến tranh thế giới, những lại thức ăn nào sẽ đủ an toàn cho những người sống sót sử dụng, và chúng có thể tồn tại trong bao lâu? Để hiểu được điều này, chúng ta phải trả lời câu hỏi: “Tại sao thức ăn lại bị hỏng?”.
Công dân Leningrad đi bộ bên trong thành phố bị vây hãm. Một người đang kéo theo thi thể người thân bằng xe trượt.
“Hầu hết các loại thực phẩm, dù không phải tất cả, đều hỏng vì chung một nguyên nhân - đó là sự phát triển của các loại vi khuẩn”, chuyên gia hóa học thực phẩm tại University College London, ông Michael Sulu giải đáp. Thực phẩm có thể được bảo quản bằng nhiều phương pháp như làm khô, muối, làm mát hay chứa trong các túi hút chân không. Mọi biện pháp đều nhằm giới hạn sự phát triển của vi khuẩn, và đều đã được con người sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Ông Sulu cũng cho biết, phương pháp hữu hiệu nhất là làm khô, sau đó là đến muối, còn nếu chỉ bảo quản trong túi hút chân không thì không đủ hữu hiệu.
Chúng ta gần như không thể loại bỏ hoàn toàn các mầm bệnh khỏi thức ăn mà không làm tổn hại đến chính loại thức ăn đó. Thế nên, các kỹ thuật bảo quản tập trung vào việc giới hạn sự sinh sôi của các loại vi khuẩn. Việc làm khô rất hiệu quả bởi trong môi trường ít nước, sự phát triển của vi khuẩn sẽ bị ức chế. Vi khuẩn cần nước để chuyển thức ăn vào các tế bào của chúng và thải các chất độc ra ngoài. Nếu không có khả năng chuyển vật chất vào và ra khỏi các tế bào, vi khuẩn sẽ không thể sinh sôi. Hàm lượng nước thấp đồng thời cũng hạn chế quá trình oxi hóa, cũng là một tác nhân làm hỏng thực phẩm khác.
Nguyên nhân khiến việc trữ thức ăn trong các túi hút chân không kém hiệu quả hơn là bởi có thể đã sẵn có nhiều vi khuẩn trên thức ăn trước khi người ta cho chúng vào trong túi - và một số vi khuẩn thì hoàn toàn có thể hoạt động trong môi trường thiếu oxi. Có thể ví dụ một vài loại vi khuẩn làm hỏng thịt, chúng thuộc loại yếm khí, có nghĩa là chúng có thể “thở” mà không cần đến khí oxi. Theo ông Sulu thì: “Những vi khuẩn này thường là sẽ rất có hại cho con người, thế nên sấy khô thì tốt hơn là loại bỏ không khí.”.
Muối thịt cũng là phương pháp hiệu quả bởi khả năng loại bỏ độ ẩm trong quá trình, tạo ra một môi trường mà các loại vi khuẩn không thể sống sót. Một môi trường nồng độ muối cao sẽ ngăn cản các tế bào vi khuẩn hoạt động bình thường qua một quá trình gọi là “sốc thẩm thấu”. “Muối sẽ rút chất lỏng và một vài thứ khác ra khỏi các tế bào vi khuẩn, làm gián đoạn con đường chuyển dịch ion qua lớp màng của chúng”, ông Sulu cho biết.
Phương pháp bọc đường cũng có thể tạo ra sốc thẩm thấu. Nhìn chung, thực phẩm có hàm lượng đường cao có xu hướng lâu bị hỏng hơn. Ở trạng thái khô, đường tinh luyện sẽ không hỗ trợ bất kì hoạt động sinh sản nào của vi khuẩn. Các loại kẹo thuần chứa hàm lượng đường cao, dù ở dạng sucrose hay glucose, cũng cho thấy khả năng ngăn cản sự sinh sôi của vi khuẩn và có thể dùng được trong vòng vài năm. Nhưng khi người ta thêm vào các thành phần khác, ví dụ như bơ, sữa, hạt, tinh bột, gelatin hay trứng vào bánh kẹo, vòng đời của chúng suy giảm xuống đáng kể. Có thể ví dụ các loại caramel hay chocolate dễ bị lên men hay mốc, trong khi mà các loại vi khuẩn tồn tại trong quá trình sản xuất cũng có thể từ từ sinh sôi bên trong chúng.
Có lẽ biểu tượng nổi tiếng nhất về khả năng tồn tại của thực phẩm đã qua chế biến là một chiếc Big Mac bán ra tại Iceland. Chiếc Big Mac cuối cùng được McDonald’s bán ra tại Iceland trước khi chuỗi đồ ăn nhanh này đóng cửa nhà hàng duy nhất của họ tại nước này vào năm 2009 vẫn đang được trưng bày. Dù trông có vẻ bị xẹp xuống và nhạt đi, mốc vẫn chưa xuất hiện trên chiếc bánh này. Những người sở hữu của chiếc Big Mac có vẻ lại không làm giống lời khuyên về bảo quản thức ăn của ông Sulu. Chiếc burger đơn giản là được giữ trong một chiếc hộp kính, nhằm giới hạn lượng không khí mà nó tiếp xúc, nhưng ngoài ra, thứ duy nhất giữ nó không bị mốc là những chất bảo quản sẵn có bên trong khi chiếc bánh được làm ra.
Vào năm 2019, một người đàn Úc công bố chiếc Big Mac mà ông khẳng định đã được mua từ năm 1995.
Trong một diễn biến thú vị xoay quanh những chiếc burger, Burger King đã tung ra một chiến dịch quảng cáo nhắm đến các đối thủ với hình ảnh một chiếc burger của họ dần biến dạng và xuất hiện mốc, để nhấn mạnh vào việc họ đã loại bỏ chất bảo quản khỏi những chiếc burger của mình. Cuối cùng thì, vào năm 2018, McDonald’s cũng thông báo rằng họ cũng đã loại bỏ một số chất bảo quản khỏi những chiếc burger cũng như sốt chấm trong các cửa hàng của mình.
Các chất bảo quản sử dụng trong các loại thực phẩm như thế này để gia tăng thời gian lưu trữ chúng, dù ở trên giá siêu thị hay ở trong tủ bếp. Các hãng sản xuất muốn sản phẩm của mình cho thấy một trải nghiệm ăn uống ổn định dù sau 1 tuần hay 1 tháng kể từ khi sản xuất. Thế nên ngày tháng trên những nhãn “dùng tốt nhất trước khi” hay “hạn sử dụng” thường không đề cập đến khi một sản phẩm trở nên không an toàn để ăn, mà là khi chúng trở nên cũ đi hay đổi màu, hoặc nói chung là khi chúng giảm chất lượng xuống dưới mức chấp nhận được về mặt hình thức đối với nhà sản xuất.
Trong trường hợp của McDonald’s, một trong những chất bảo quản mà họ đã loại bỏ vào năm 2018 là canxi propionat, một chất được sử dụng để ngăn chặn sự sinh sôi của nấm mốc trên bánh mì. Họ cũng loại bỏ một chất ức chế nấm mốc khác - axit sorbic - ra khỏi loại phô mai họ sử dụng, cũng như natri benzoat, chất được sử dụng để chống vi khuẩn trong sốt đặc biệt dành cho Big Mac.
Một loại đồ ăn vặt khác được nhiều người cho rằng có khả năng lưu trữ dài lâu là Twinkie - loại bánh xốp nhân kem phổ biến ở Mỹ. Chúng xuất hiện trong những bộ phim bom tấn của Mỹ, từ các huyền thoại như Ghostbusters (1984), Die Hard (1988) hay gần đây hơn là Zombieland (2009). Từ đó, người ta cho rằng Twinkie là thứ đồ ăn có thể sử dụng trong một thảm họa diệt vong, như trong Zombieland, nhân vật của Woody Harrelson tìm một chiếc Twinkie từ đầu đến cuối phim.
Từ đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: liệu những chiếc Twinkie có thực sự có khả năng tồn tại lâu đến hậu khủng hoảng nào đó không? Có thể chỉ ra sự thật là, dù trong danh sách thành phần in phía sau bao bì Twinkie có nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, nhưng những chất này cũng không khác gì so với những loại thực phẩm được xử lí kĩ càng khác. Thế nên, dù có tiếng như vậy, một chiếc Twinkie cũng không tồn tại lâu hơn bất cứ loại kẹo bánh đóng hộp nào.
Loại bánh xốp nhân kem xuất hiện nhiều trong các sản phẩm điện ảnh Mỹ.
Mặc cho thời hạn sử dụng của Twinkie chỉ là khoảng vài tuần, nhưng các fan hâm mộ của loại bánh này đã thử nghiệm đặt chúng bên trong các lọ chuông hoặc hộp chứa kín chôn sâu trong lòng đất trong nhiều nhất lên tới 44 năm. Một đoạn video trên YouTube còn cho thấy một chiếc Twinkie 27 năm tuổi được mở và cắt ra, nhưng không gây ngạc nhiên khi mà chiếc bánh đã trở nên cứng như đá, dù không có mấy dấu hiệu mốc, nhưng cũng còn xa mới tới mức ăn được. Vậy nên, dù Twinkie có thể tồn tại lâu hơn một vài loại bánh xốp khác nhờ hàm lượng đường của nó, thì chúng vẫn kém xa so với những loại thực phẩm có khả năng tồn tại lâu nhất.
Mật ong gần như không thể bị hỏng bởi hàm lượng đường cao và lượng nước thấp, tạo ra hệ quả tất yếu là khả năng bảo quản của nó rất tốt. Những mẫu mật ong lên tới 3.000 năm tuổi đã được tìm thấy trong những lăng mộ của giới quý tộc ở Georgia, Mỹ cũng như lăng mộ Tutankhamun nổi tiếng ở Ai Cập. Theo ông Sulu thì: “Việc bảo quản nhiều thứ không thay đổi nhiều trong hàng nghìn năm nay, những phương pháp chúng ta đang sử dụng không khác gì mấy phương pháp tổ tiên chúng ta đã làm”.
Trong những thứ quý giá trong lăng mộ Tutankhamun, có một hũ mật ong.
Biết được cách những thực phẩm thời cổ đại vẫn tồn tại qua thời gian có thể cho chúng ta những gợi ý về loại thực phẩm có thể lưu trữ cho những hậu duệ sau này. Giáo sư di truyền học tiến hóa tại UCL, ông Mark Thomas cho biết: “Những loại thực phẩm giàu chất béo có thể được bảo quản trong một thời gian rất dài, những thứ như bơ hay phô mai, dầu thực vật hay mỡ động vật. Chất béo sẽ loại trừ nước, đồng nghĩa với việc cho phép khả năng bảo quản tốt.”.
Bơ bùn, loại bơ với độ lên men cao được tìm thấy dưới những đầm lầy ở Ireland và Scotland, được xác định có độ tuổi có thể lên tới 4000 năm. Người ta cho rằng con người thời xưa đã chôn dấu thứ bơ - hoặc mỡ động vật theo một giả thuyết - trong đầm lầy để bảo quản chúng, hoặc ít nhất là giấu chúng khỏi những tên trộm.
Và dù trông bơ bùn có vẻ ngoài giống như sáp, về lý thuyết chúng hoàn toàn có thể ăn được. Loại nước bùn giàu tính axit, ít oxi đã ngăn cản sự phân hủy, cũng là lí do tại sao nhiều cây cối hay thậm chí thi thể người tìm thấy bên trong những đầm lầy được giữ ở một tình trạng tốt đến đáng ngạc nhiên. Một số người thậm chí còn thử ăn loại bơ bùn này, nhưng mô tả của họ về vị có phần “ôi thiu” nghe có vẻ không hấp dẫn lắm. Trong một thí nghiệm hiện đại, khi mà bơ được chôn giấu trong đầm lầy khoảng 3 tháng, những người ăn thử cho biết vị của chúng có phần giống với thịt rừng hay salami.
Tuy thế, việc chôn thức ăn thực ra lại là một cách thức hợp lí giúp chúng có thể được bảo quản trong quãng thời gian dài - tất nhiên là với những điều kiện thích hợp. Nhiều xác ướp ở Trung Quốc đã được tìm thấy cùng với những chiếc vòng cổ từ phô mai, và người ta cho là nền đất khô, mặn đã giúp bảo quản cả xác ướp và phần phô mai. Dù cho những vòng cổ phô mai này trông không có vẻ ăn được lắm, nhưng theo giáo sư Thomas thì chúng ta không nên phán xét vội vàng: “Ý tôi là, nhiều người cho rằng một số loại phô mai hiện đại cũng không thể cho lên đĩa được.”.
Trong nhiều năm, nhiều người đã cho rằng bánh Twinkies là một lựa chọn thực phẩm tốt khi thảm họa tận thế tới.
Một trong những thứ thách thức giới hạn về khả năng ăn/uống được là một chai rượu. Chai rượu vang được cho là lâu đời nhất còn tồn tại, được tìm thấy trong một lăng mộ La Mã tại Speyer, Đức. Thứ ở trong chai rượu 1.700 năm tuổi có vẻ đặc, có phần đông lại và biến đổi màu, và tất nhiên, không có ai (kể cả các nhà khoa học) dám mở chai rượu vang này để thử.
Nhưng, một trong những loại champagne cổ nhất trên thế giới, những chai Clicquot 200 năm tuổi được tìm thấy trên xác tàu dưới đáy biển Baltic, lại được thợ lặn Christian Ekstrom uống ngon lành vào năm 2010. Anh mô tả nó có một vị “rất ngọt” và cho biết loại champagne vẫn sủi bọt. Vị trí tàu đắm nằm trong vùng nước sâu, lạnh và tối, nhờ đó mà chai champagne đã được bảo quản tốt hơn. Một chai rượu trong số này sau đó đã được bán đấu giá vào năm 2011 với giá 30.000 Euro. Theo các nhà nghiên cứu thì con tàu này bị đắm vào khoảng năm 1825 đến 1830, thế nên những chai rượu này là một trong những chai champagne lâu đời nhất còn uống được, nếu không muốn nói là lâu nhất.
Chai rượu vang trăm năm tuổi.
Nhưng liệu có ví dụ nào về những miếng thịt từ xa xưa mà chịu được sức mạnh tàn khốc của thời gian hay không? Một địa điểm đáng chú ý đến để bắt đầu tìm kiếm nằm có thể là vùng băng giá vĩnh cửu ở cực Bắc, hoặc là tìm những xác động vật vô tình lọt vào trong những dòng sông băng.
Những miếng thịt từ xa xưa được đóng băng trông có vẻ như hoàn toàn ăn được khi vẫn ở nhiệt độ cực thấp, thế nhưng chúng lại nhanh chóng hỏng đi sau khi rã đông. Trong thực tế, những nhà thám hiểm tìm ra loài voi ma mút đã chứng thực điều này. Trong cuốn sách “Mammoths”, nhà thám hiểm Adrian Lister đã mô tả thịt của loài voi Berezvoka, loài voi từ 40.000 năm trước được phát hiện tại Siberia từ năm 1900, là “những sọc vân cẩm thạch với nhiều lớp mỡ dày” cũng như có màu đỏ thẫm. Trưởng đoàn thám hiểm viết tiếp: “Trông nó thực sự hấp dẫn khiến chúng tôi nhiều lần nghĩ xem có nên nếm thử nó không, nhưng không ai dám mạo hiểm cho nó vào miệng mình. Những những con chó lại chén sạch bất cứ miếng thịt voi ma mút nào chúng tôi ném cho chúng.”
Sau khi rã đông, loại thịt này chuyển sang màu xám và trở nên kém ngon mắt, nhưng theo Lister thì “sẽ thật khó tin khi những nhà thám hiểm gan dạ này lại không thử nó một lần”. Tất nhiên, một nhà khoa học đã ăn thử một phần, và sau đó anh đã nhiễm bệnh. Một số nhà cổ sinh vật học khác, những người cũng may mắn tìm ra thịt voi ma mút đông lạnh, đã mô tả loại thịt này chuyển sang một dạng bùn nhão có mùi khó ngửi khi họ tìm cách rán chúng.
Thịt sẽ chuyển sang màu xám khi chúng bị hỏng bởi một chất gọi là adipocere, thứ con người không ăn được. Được biết đến dưới những cái tên như “sáp tử thi” hay “sáp mộ”, adipocere hình thành khi các vi khuẩn yếm khi bắt đầu phân giải phần chất béo trong thịt. Hàm lượng adipocere được các chuyên gia pháp y sử dụng để xác định độ tuổi của tử thi từ mức độ của sự thối nát. Các tính thể đá tạo ra trong quá trình đông cứng cũng có thể gây tổn hại đến các sợi cơ trong thịt.
Một điều chắc chắn là, con người đã từng phát hiện những phần còn lại của loài voi ma mút từ rất nhiều thế kỉ trước. Chỉ riêng tại nước Nga, người ta đã lueu truyền rất nhiều những câu chuyện ngụy tạo về những bữa tiệc thịt voi ma mút. Một tác giả Trung Quốc vào khoảng năm 1700 có mô tả một con quái vật “mà tên người Nga gọi là Momentuow” và “to như một con voi, bò trong các đường hầm, và chết khi chúng gặp ánh sáng Mặt Trăng hay Mặt Trời. Ngà của chúng giống như là của một con voi, trắng, mịn không vết nứt.”. Tác giả này cũng cho rằng loại thịt này “có tính hàn” và có thể đẩy lùi “những cơn sốt hay sự khó ở”.
Adrian Lister đang nghiên cứu Lyuba, xác voi ma mút đầy đủ bộ phận nhất trên thế giới tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London
Các loại cá có vẻ như còn tỏ ra tệ hơn khi trải qua quá trình đông lạnh. Sau khi bị làm đông cứng trong những quá trình kéo dài, phần cơ của cá tuyết mất đi hầu hết hàm lượng nước, làm thịt cá trở nên dai sau khi được rã đông và nấu nướng. Phần cơ của cá cũng chịu một số biến đổi hóa học khi bị làm đông cứng trong một thời gian dài, mà dần dần giảm bớt khả năng ăn được của chúng.
Các loại thịt, bởi bản chất tự nhiên của chúng, sẽ chứa đầy các vi sinh vật, điều khiến chúng trở nên không thích hợp cho việc lưu trữ lâu dài. Nhưng công nghệ có thể sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Ông Sulu cho biết: “Trong tương lai mười năm tới, nông nghiệp tế bào - ngành nuôi cấy thịt thay vì nuôi động vật và rồi làm thịt chúng - có thể sẽ khiến thực phẩm tồn tại dài lâu hơn. Về cơ bản, loại thịt này đã vô trùng từ đầu rồi.”.
Nhưng nếu nền văn minh hiện tại đột nhiên kết thúc, cách thức nó diễn ra sẽ quyết định chúng ta sau đó có thể ăn thứ gì một cách an toàn. Ông Sulu cho rằng trừ khi điều gì đó xảy ra làm ô uế nguồn thực phẩm - ví dụ như một thảm họa hóa học hay hạt nhân - người ta có thể đi vào một siêu thị nào đó còn lại và tự tin ăn bất cứ thứ gì, miễn là chúng không ở quầy đồ tươi. Thế nên, trong trường hợp diễn ra một thảm họa tự nhiên hay chuỗi cung ứng thực phẩm sụp đổ, thức ăn khô hay đồ hộp, và một phần thức ăn đông lạnh cũng có thể được sử dụng.
“Tôi sẽ bắt đầu với bất cứ thứ gì được hút chân không cũng như được làm khô” - ông Sulu tiếp - “Bằng cách đó, bạn có thể tận hưởng hiệu quả từ hiệu ứng kép: không có không khí và không có độ ẩm”. Tốc độ của quá trình làm mất nước cũng tương đối quan trọng. Làm khô quá chậm có thể cho phép một vài vi khuẩn thích nghi và hình thành các nội bào tử cứng đầu, với khả năng … nằm im chờ đến khi điều kiện trở nên thích hợp hơn với chúng. Một số vi khuẩn tạo bào tử thích hợp với nhiệt độ phòng, trong khi số khác lại ưa nhiệt độ cao, đồng nghĩa với việc chỉ xử lí bằng nhiệt không phải lúc nào cũng là đủ để khẳng định chúng đã bị loại bỏ. Điều này cho thấy, thực phẩm khô vẫn có thể chứa các loại vi khuẩn. Các loại thực phẩm được làm khô dạng phun hay làm đông, ví như hạt hay bột cà phê uống liền, được làm khô nhanh chóng hơn nên sẽ tồn tại được lâu hơn.
Trong một trường hợp nào đó, nếu toàn bộ thức ăn trên bề mặt Trái Đất không thể ăn được, bạn vẫn có thể tìm được thứ gì đó để ăn, nếu biết tìm đúng chỗ. Được chôn sâu bên dưới một ngọn núi và nhiều lớp băng trên quần đảo cực Bắc Svalbard ở Na Uy, Hầm Hạt giống Toàn cầu chứa đựng lượng hạt giống tương đương với những gì Viện Công nghiệp Cây trồng Leningrad từng làm được. Bên trong những bức tường của nó, 986.243 mẫu hạt giống từ cây trồng trên khắp thế giới được lưu trữ an toàn. Mỗi mẫu lại chứa khoảng 500 hạt khô, nghĩa là có khoảng gần 5 tỉ hạt giống hiện đang được lưu trữ trong “ngân hàng” này.
Những mẫu vật được lưu trữ bên trong theo cách có thể tồn tại mãi mãi: chúng được để bên trong những thùng kim loại bọc lớp giấy nhôm mỏng ở nhiệt độ -18 độ C. Thậm chí nếu một thảm họa toàn cầu xảy ra làm mất nguồn cấp điện, vị trí của hầm lưu trữ - bên dưới lớp băng vĩnh cửu của Bắc Cực - vẫn cho phép các mẫu vật được giữ trong tình trạng đông cứng.
Lính Mỹ đang sử dụng khẩu phần MRE của họ.
Tuy nhiên, nếu bạn quyết định tìm kiếm thứ gì đó ăn được ở đây, bạn sẽ cần phải chọn hạt một cách cẩn thận. Ví dụ như trong hạt táo, mơ, đào, mận hay cherry có chứa amygdalin, mà sẽ giải phóng xyanua trong quá trình tiêu hóa. Nhưng dù vậy, phải ăn tới 75 hạt mơ mới đủ liều gây ra chết người, điều mà khó xảy ra dưới những điều kiện bình thường.
Thay vì mạo hiểm, bạn có lẽ nên chuyển hướng tới những loại thức ăn được sản xuất trong phòng thí nghiệm nhằm mục đích cải thiện độ bền vững của chúng. Công nghệ đang hỗ trợ việc cung cấp các loại thực phẩm có thời gian sử dụng vượt xa những gì mà tổ tiên chúng ta từng làm được trong lịch sử.
Ông Sulu gợi ý rằng, các loại thức ăn được tạo ra cho việc du hành không gian có thể là một lựa chọn tốt. Được “thiết kế” nhằm có trọng lượng thấp và không bị hư trong thời gian dài ở dải nhiệt độ rộng, thức ăn không gian được hút nước và đóng gói chân không. Tương tự như vậy, khẩu phần ăn mục đích chung của quân đội Mỹ, được biết đến với cái tên MRE (Meals, Ready to Eat), có hạn sử dụng lên tới 3 năm ở nhiệt độ 27 độ C, theo tài liệu từ quân đội Mỹ. Chúng cũng được sản xuất để chịu được nhiều loại điều kiện khác nhau mà thường thì các sản phẩm thương mại khác không phải chú trọng - ví dụ như bị thả xuống từ máy bay.
Một số thực phẩm trong danh sách "hộ tống" phi hành đoàn Apollo 11. Từ trái sang phải ta có: gà và rau, thịt bò và rau trộn, thịt bò và nước thịt.
Chuyên viên công nghệ thực phẩm thuộc quân đội Mỹ, Julie Smith cho biết: “Các sản phẩm thương mại không được làm theo cách thức thích hợp cho việc lưu trữ trong thời gian dài. Nhiệm vụ chính của ngành công nghiệp thương mại là bán sản phẩm thật nhanh.”. Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ thì báo cáo họ hiện đang có 5 triệu phần MRE trong kho, sẵn sàng được sử dụng. Đó là thực phẩm thuần túy đang được lưu trữ, chờ đến lúc chúng được sử dụng.
Ông Sulu cũng bổ sung một gợi ý khác về những thứ có thể thay thế thức ăn thông thường, là sản phẩm từ một công ty tên là Huel. Các khẩu phần từ công ty này được cung cấp dưới dạng bột, là sản phẩm từ quá trình làm lạnh khô và xay để tạo ra một loại bột không có độ ẩm. Họ có thể chắc chắn về thời hạn sử dụng cho sản phẩm của mình bởi họ đã áp dụng rất nhiều quy trình khác nhau để sản xuất ra loại bột này. Nhà dinh dưỡng tại Huel, bà Rebecca Williams cho biết: “Khả năng kiểm soát đến từ cả cách chúng tôi đóng gói, với khả năng ngăn chặn độ ẩm, ánh sáng và oxi. Chúng tôi che mọi thứ để đảm bảo chúng hợp vệ sinh. Lớp đóng gói cũng phải vô trùng, thế nên chúng tôi dùng hơi hoặc axit để loại bỏ các loại vi khuẩn có trên bao bì.”.
Như vậy, với sự trợ giúp của công nghệ, chúng ta đã dần có nhiều lựa chọn thức ăn cho trường hợp thế giới hậu thảm họa. Dù có vẻ chưa đảm bảo về độ ngon, nhưng các lựa chọn này đều tỏ ra khá đầy đủ về mặt dinh dưỡng, hay cả khả năng tái sản xuất. Thế nên, dù có một thảm họa bất ngờ xảy đến, bạn có thể yên tâm nếu sống sót, chí ít bạn cũng sẽ không phải lo kiếm thứ bỏ bụng.