Thân hình loang lổ với những mảnh da non đang lên xen kẽ những mảnh da chết đã xám lại, trông giống như da một người bị bỏng nặng. Đó là tình trạng của nhiều bệnh nhân dị ứng thuốc Nam tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Điều trị dị ứng tại BV Bạch Mai (Ảnh: SK & ĐS) |
- Bà Khúc Thị Toản (66 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên) bị thấp khớp, uống thuốc tễ của một thày lang, sau một thời gian thấy đỡ hẳn. Gần đây bệnh tái phát nên bà đổi sang một thuốc khác. Do không thấy đỡ, bà quay về uống thuốc cũ. Chỉ 3-4 ngày sau, bà bắt đầu bị mẩn ngứa rồi sưng phù cả chân tay, mặt. Các bác sĩ chẩn đoán dị ứng thuốc Nam.
- Anh Vũ Trung Thành (43 tuổi, ở Nam Định) bị hen mạn tính, nghe có người mách, anh đến một ông lang mua thuốc Nam sắc uống, dùng cùng với thuốc Tây bác sĩ cho. Được 20 ngày, toàn thân mẩn ngứa, nổi ban đỏ, rồi từng mảng da phồng rộp, trợt loét, toàn thân đau đớn, hơi thở yếu ớt.
- Anh Nguyễn Tiến Luyện (22 tuổi, ở Hải Dương) bị dị ứng mẩn ngứa nên nhờ người mua thuốc Nam uống. Khi gần khỏi, anh lại bị cảm cúm và ho nên uống thêm cả thuốc Tây chữa chứng này. Hai ngày sau, trên da nổi mụn nước như bỏng rạ, rất đau đớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn, thuốc Nam cũng có khả năng gây dị ứng. Thông thường, dị ứng thuốc Nam diễn ra muộn, sau 10-20 ngày với thể lâm sàng nặng như đỏ da toàn thân, hồng ban đa dạng, viêm da dị ứng, nhiễm độc, hội chứng Syevens Johnson, Iyell. Triệu chứng hay gặp là ban đỏ, sốt, ngứa, nổi mụn, mụn nước, loét trợt các hốc tự nhiên. Tình trạng dị ứng thuốc Nam thường nặng hơn các loại thuốc khác vì có cả tổn thương nội tạng như gan thận, rất khó khăn trong điều trị.
Mấy năm gần đây, số ca dị ứng thuốc Nam ngày càng tăng, hầu hết do sử dụng bừa bãi. Nhiều bệnh nhân chỉ cần nghe nói một ông lang có thuốc hay là vội vàng mua về uống. Điều này rất nguy hiểm vì với bất cứ chứng bệnh nào, thày thuốc cũng phải thăm khám lâm sàng, thậm chí xét nghiệm mới tìm ra nguyên nhân để bốc thuốc. Thày thuốc còn phải theo dõi tiến trình điều trị để điều chỉnh đơn thuốc thích hợp. Bất cứ loại thuốc nào cũng có chống chỉ định và tương tác, việc tự ý uống nhiều loại thuốc cùng thời điểm cũng làm tăng nguy cơ dị ứng.
Nhiều loại thuốc Nam được tẩm chất bảo quản và đây có thể là một yếu tố gây dị ứng. Đó là chưa kể vì lợi nhuận, nhiều ông lang trộn tân dược vào để thuốc có tác dụng nhanh, về lâu dài sẽ gây hậu quả khôn lường. Hiện chưa có nghiên cứu nào về tương tác giữa thuốc Nam và thuốc Tây nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng cùng lúc 2 loại thuốc này nếu không có chỉ định.