Bệnh cúm cà chua chưa có vaccine và thuốc điều trị, triệu chứng gần giống với bệnh chân tay miệng.
Ấn Độ báo cáo các ca nhiễm virus lạ được gọi là cúm cà chua, âm thầm lây lan kể từ tháng 5. Các ca nhiễm chủ yếu ở trẻ em, lây lan ra một số tỉnh như Kerala, Tamil Nadu, Haryana và Odisha. Ngày 23/8, Bộ Y tế Liên minh Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị nhiễm cúm cà chua.
Cúm cà chua có triệu chứng đặc trưng là sốt, đau khớp, phát ban đỏ, giống với màu cà chua, thường thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các triệu chứng này đi kèm với biểu hiện của sốt siêu vi như tiêu chảy, mất nước, buồn nôn, nôn và mệt mỏi.
Cúm cà chua được cho là hệ quả của bệnh sốt xuất huyết và chikungunya thường thấy ở vùng Kerala. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện nay tin rằng nó là biến thể của bệnh tay chân miệng, do các loại virus như Coxsackievirus A-6 và A-16 gây ra.
Cúm cà chua có một số biểu hiện không điển hình.
"Cúm cà chua có thể là hậu quả của chikungunya hoặc sốt xuất huyết ở trẻ em hơn là một bệnh nhiễm virus. Nó cũng có thể là dạng mới của chân tay miệng do virus, một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ từ một đến 5 tuổi và người lớn bị suy giảm miễn dịch", báo cáo trên Lancet nêu rõ.
Ekta Gupta, giáo sư virus học tại Viện Khoa học Gan và Mật cho biết: "Chân tay miệng không phải loại bệnh truyền nhiễm mới. Nó thỉnh thoảng xuất hiện trên toàn quốc, nhưng không phổ biến".
Theo giáo sư Gupta, người dân chú ý đến cúm cà chua bởi nhiều loại bệnh truyền nhiễm mới được báo cáo trong năm nay. Bà cho rằng sau khi Covid-19 hoành hành, người dân và cả giới chuyên gia trở nên cảnh giác với các loại virus mới nổi.
Bà giải thích, thông thường, nhiều căn bệnh có mức độ lây lan giới hạn nên các bác sĩ không xét nghiệm.
"Có nhiều loại bệnh nhiễm trùng do virus ở trẻ em, nhưng chúng ta không thể, và không cần xét nghiệm từng loại virus. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang ghi nhận nhiều trường hợp mới vì số ca xét nghiệm virus tăng lên trong 5 năm qua tại các phòng khám trải dài khắp đất nước. Đại dịch cũng thúc đẩy hoạt động này", giáo sư Gupta giải thích.
Theo tiến sĩ Asawathyraj, nhà khoa học tại Viện Virus Cao cấp, cúm cà chua có một số biểu hiện không điển hình. Các nốt phát ban đỏ như cà chua chỉ giới hạn ở miệng (lưỡi, lợi và bên trong má), lòng bàn tay, lòng bàn chân. Một số trẻ bị phát ban ở mông và rụng móng tay.
Tiến sĩ Asawathyraj cũng cho biết các nốt phát ban có thể phân biệt bằng mắt thường với đậu mùa khỉ. "Phát ban ở đậu mùa khỉ ăn sâu hơn, sự phân bố cũng khác nhau", bà nói.
Tuy nhiên, bệnh có thể bị nhầm lẫn với chân tay miệng. Các ca chân tay miệng hiện nay chủ yếu do Coxsackievirus A-6 và A-16 gây ra. Một số trường hợp bắt nguồn từ Enterovirus71, song không phổ biến.
Hiện chưa có phương pháp điều trị và vaccine đặc hiệu cho căn bệnh này. Tuy nhiên, các bệnh nhi sẽ được điều trị theo triệu chứng, chẳng hạn kê đơn paracetamol để hạ sốt.
Vì virus chủ yếu lây lan ở trẻ em, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo tập trung các biện pháp phòng ngừa ở nhóm tuổi này. Theo hướng dẫn của cơ quan, các ca nghi nhiễm nên cách ly từ 5 đến 7 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Trẻ em cần được giáo dục về tình trạng bệnh, yêu cầu không ôm hoặc chạm vào những em bị sốt phát ban khác. Trẻ cần giữ vệ sinh, ngừng mút ngón tay và sử dụng khăn để sổ mũi.
Theo khuyến cáo, các em có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly, vệ sinh đồ dùng, quần áo, giường chiếu thường xuyên, súc miệng nước muối, rửa sạch mụn bằng nước ấm.
Các địa phương cần kiểm tra và có biện pháp ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát. Tất cả các mẫu dịch đường hô hấp, phân hoặc dịch não tủy (trong trường hợp bệnh nhi bị viêm não) cần được thu thập trong 48 giờ sau khi bị bệnh.