Giám đốc điều hành OneWeb cho biết công ty đã đưa thành công tổng số 616 vệ tinh lên quỹ đạo nhằm phủ sóng Internet toàn cầu trong năm nay.
Trong thời đại mọi thứ đều phụ thuộc vào vào Internet, người dùng cần một kết nối ổn định. Công ty Starlink đã được tỷ phú Elon Musk thành lập với tầm nhìn cung cấp truy cập Internet vệ tinh cho hàng triệu người sống ở những nơi xa xôi.
Tuy đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua dịch vụ Internet vệ tinh, Starlink sẽ gặp phải một đối thủ “đáng gờm” – OneWeb có trụ sở tại Vương quốc Anh. Công ty này được cho là đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên từ đầu năm 2019.
Cuộc đua dịch vụ Internet vệ tinh đã có một "người chơi" mới. (Ảnh: OneWeb).
OneWeb mới đây đã phóng 36 vệ tinh cuối cùng trong tổng số 616 vệ tinh của mình nhằm cung cấp phủ sóng băng thông rộng toàn cầu trong năm nay. Công ty này được coi là đối thủ trực tiếp với Starlink của Elon Musk.
“Đây là thành quả sau rất nhiều khó khăn chúng tôi đã gặp phải. Trong đó, công ty đã phải vượt qua trở ngại liên quan đến vấn đề địa chính trị, đồng nghĩa chúng tôi đã chứng tỏ được sự kiên cường và khả năng bắt kịp của mình”, Giám đốc Điều hành Neil Masterson trả lời phỏng vấn trước buổi phóng tại cơ quan Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ.
Masterson cho biết OneWeb hiện có đủ tàu vũ trụ bay nhanh trên quỹ đạo để cung cấp băng thông rộng cho các doanh nghiệp và khách hàng chính phủ ở 48 tiểu bang của Mỹ vào tháng 5 và tham vọng phủ sóng toàn cầu vào cuối năm 2023.
Tên lửa Soyuz phóng 36 vệ tinh của OneWeb lên quỹ đạo từ Sân bay vũ trụ Vostochny hồi tháng 3/2021. (Ảnh: BBC).
Vụ phóng diễn ra ở Sriharikota, một hòn đảo ngoài khơi bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, đánh dấu sự kết thúc của một thập kỷ đầy biến động với công ty vũ trụ liên doanh của doanh nhân Greg Wyler.
OneWeb từng đệ đơn phá sản hồi tháng 3/2020 sau khi bị loại khỏi thị trường tín dụng do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19, và đã được chính phủ Vương quốc Anh và Tập đoàn Bharti của ông trùm viễn thông Ấn Độ Sunil Mittal “giải cứu”.
Kể từ đó, công ty này thu hút thêm nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên Thế Giới như SoftBank Group của Nhật Bản, tập đoàn Hàn Quốc Hanwha Systems và công ty Mỹ Hughes Satellite Systems.
Một cổ đông lớn khác là công ty vệ tinh Pháp Eutelsat SA đã đồng ý sáp nhập với OneWeb vào tháng 7/2022 trong khi chờ các thủ tục pháp lý và bỏ phiếu của cổ đông. Nhóm liên doanh này đang tranh giành một vai trò trong dự án vệ tinh trị giá hàng tỷ Euro của Liên minh Châu Âu có tên “IRIS²”.
Ông Masterson cho biết OneWeb có 900 triệu USD doanh thu theo hợp đồng và có kế hoạch thu hồi thành công vốn vào năm 2025. Công ty có trụ sở tại London cũng đã bắt đầu lên kế hoạch phóng chùm vệ tinh thứ 2 với hàng trăm vệ tinh hiện đại hơn. Dự án này có thể tiêu tốn tới 4 tỷ USD và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Vụ phóng vệ tinh của OneWeb là một cột mốc quan trọng trong cuộc chạy đua vào không gian mới nhằm bao phủ trái đất bằng hàng nghìn vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp băng thông rộng. Điều này đã mở ra một cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn trong lĩnh vực.
Mạng lưới của OneWeb được đánh giá là hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) lớn thứ hai sau Starlink. Hạm đội của Starlink được vận hành và phóng bởi Tập đoàn Công nghệ Khám phá Không gian (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk, với hơn 3.000 vệ tinh trên quỹ đạo.
60 vệ tinh Starlink được đặt trong tên lửa Falcon. (Ảnh: SpaceX).
Một gã khổng lồ công nghệ khác là Amazon cũng đang lên kế hoạch cạnh tranh trong cuộc đua vũ trụ với dự án “Kuiper”.
Tuy vậy, CEO Masterson lại phủ nhận việc công ty của mình cạnh tranh với SpaceX. Ông nói rằng công ty của Musk nhắm đến người tiêu dùng trong khi tệp khách hàng của OneWeb là các doanh nghiệp và chính phủ.
Bản thân ông cũng là một khách hàng của SpaceX. OneWeb đã sử dụng tên lửa của Elon Musk để gửi các vệ tinh của riêng mình, sau khi vụ phóng với công ty Arianespace SA của Pháp bị hoãn trong thời gian cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra một năm trước.