Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào bể chứa Nitơ lỏng?

  •   32
  • 6.231

Ngập chìm trong một môi trường có nhiệt độ trên dưới -196 độ C, kết cục đến với nạn nhân sẽ thực sự thảm khốc. Điều may mắn duy nhất chính là việc cơn đau chỉ kéo dài trong vài giây, trước khi họ mất toàn bộ nhận thức!

Nitơ là một nguyên tố rất phổ biến trên Trái Đất. Chỉ tính riêng bầu khí quyển, Nitơ đã chiếm đến gần 80%. Ở điều kiện bình thường, Nitơ tồn tại ở dạng khí. Tuy nhiên, khi được làm lạnh xuống dưới -196 độ C (nhiệt độ sôi của Nitơ), nó sẽ chuyển sang thể lỏng và chúng ta có thể giữ nó ở trạng thái này trong thời gian dài, bằng cách bảo quản với một bình chân không, mà không cần tiếp tục làm lạnh. Chính nhờ đặc điểm này, Nitơ lỏng đã được ứng dụng làm môi trường bảo quản hoặc phục vụ cho mục đích cấp đông.

Nitơ là một nguyên tố rất phổ biến trên Trái Đất
Nitơ là một nguyên tố rất phổ biến trên Trái đất.

Thời gian gần đây, Nitơ lỏng thậm chí còn được sử dụng để tạo ra các món ăn “hot trend” như: bỏng ngô khói, kem khói… Mặc dù đem lại hiệu ứng kỳ ảo, đẹp mắt cho các món ăn, thức uống nhưng việc sử dụng Nitơ lỏng vào mục đích này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến sức khỏe, điều vẫn được các chuyên gia khuyến cáo!

Vậy điều gì đã khiến Nitơ trở nên nguy hiểm với con người?

Trước khi tìm lời giải cho câu hỏi trên, bạn cần biết một chút về đặc tính của chất lỏng này. Theo đó, Nitơ lỏng là một chất không màu, không mùi và không bắt lửa. Khi tiếp xúc với nhiệt độ phòng, Nitơ nhanh chóng hóa hơi và tạo ra những làn khói trắng mờ ảo.

Nitơ lỏng được ứng dụng làm môi trường bảo quản hoặc phục vụ cho mục đích cấp đông.
Nitơ lỏng được ứng dụng làm môi trường bảo quản hoặc phục vụ cho mục đích cấp đông.

Trước đây, Nitơ lỏng hầu như chỉ được sư dụng trong các ngành sản xuất (cấp đông hoa quả xuất khẩu), hay lĩnh vực nghiên cứu (bảo quản tinh trùng, các mẫu vật). Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ nhanh chóng nhận ra giá trị của Nitơ lỏng và đem nó vào cuộc sống hàng ngày như: ẩm thực, giải trí… Tuy nhiên, chỉ đến khi những sự cố đáng tiếc xảy ra do sử dụng Nitơ lỏng tràn lan, thiếu kiến thức xuất hiện ngày càng nhiều, người ta mới thực sự nhận ra được sự nguy hiểm của thứ chất lỏng này.

Ở một môi trường dưới -196 độ C, toàn bộ bề mặt cơ thể sẽ nhanh chóng bị tê cứng
Ở một môi trường dưới -196 độ C, toàn bộ bề mặt cơ thể sẽ nhanh chóng bị tê cứng.

Năm 2013, một resort ở Mexico đã đổ bốn thùng Nitơ lỏng vào bể bơi để tạo nên hiệu ứng đẹp mắt cho bữa tiệc, với sự tham gia của hàng trăm người. Ít ai ngờ rằng, làn nước với khói trắng mờ ảo đẹp mắt của ngày hôm ấy đã nhanh chóng trở thành một bể nước “tử thần”!

Khi khí Nitơ gặp nhiệt độ cao và bốc hơi đồng loạt, nó đã thay thế gần như toàn bộ Oxy có trong không khí phía trên mặt nước. Do đó, khi mọi người nhảy xuống bể bơi họ đã bị bẫy trong một “phòng ngạt” lúc nào không hay, mọi việc càng tồi tệ hơn khi làn khói trắng do Nitơ gây ra hạn chế khả năng định vị, khiến du khách khó lòng tìm được lối lên bờ. Điều may mắn là số lượng Nitơ lỏng được đổ vào bể chỉ là 4 thùng nên kết quả là chỉ có 1 người bị hôn mê và 8 người khác phải nhập viện.

Vậy kết cục gì sẽ xảy đến khi ngày hôm đó, resort này thay toàn bộ nước bằng Nitơ lỏng, hay nói rộng ra là: “Điều gì sẽ xảy khi chúng ta rơi vào một bể chứa Nitơ lỏng?”

Điều gì xảy ra  nếu chúng ta nuốt phải nitơ lỏng?

Nếu nitơ lỏng xâm nhập vào cơ thể con người có có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với cơ thể:

  • Thứ nhất, nitơ lỏng có nhiệt độ cực thấp, khoảng -196 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ cơ thể con người. Khi tiếp xúc trực tiếp với da hoặc niêm mạc, nó có thể gây ra bỏng lạnh nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương mô, phồng rộp, thậm chí hoại tử. Nguy cơ cao hơn ở các vùng da mỏng manh như miệng, họng và thực quản.
  • Thứ hai, nếu nuốt phải nitơ lỏng, nó sẽ nhanh chóng bay hơi trong cơ thể, tạo ra khí nitơ với áp suất cao. Áp suất này có thể làm giãn nở các cơ quan nội tạng, đặc biệt là dạ dày và ruột, dẫn đến thủng, rách, chảy máu trong và thậm chí tử vong - 1 lít nitơ lỏng có thể bay hơi thành 700 lít khí, và việc nitơ lỏng đi vào dạ dày con người sẽ không khác gì việc một quả bóng bay được nối với máy bơm không khí công suất lớn, nó sẽ nhanh chóng phồng lên và phát nổ.
  • Thứ ba, khi nitơ lỏng bay hơi trong cơ thể, nó có thể đẩy oxy ra khỏi phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy và ngạt thở. Nguy cơ này cao hơn ở những người có bệnh lý hô hấp sẵn có. Ngoài ra, nitơ lỏng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não, dẫn đến thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động não bộ. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, lú lẫn, thậm chí hôn mê.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc uống nitơ lỏng là tử vong. Các tổn thương nội tạng nặng nề, ngạt thở và thiếu oxy não có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Và ngay cả khi được điều trị kịp thời, những tổn thương do bỏng lạnh và thiếu oxy do nuốt nitơ lỏng có thể để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nạn nhân.

Nếu chúng ta rơi vào bể Nitơ lỏng

Đương nhiên, ở một môi trường dưới -196 độ C, toàn bộ bề mặt cơ thể sẽ nhanh chóng bị tê cứng, lớp da bị bỏng lạnh nghiêm trọng (nguy hiểm hơn cả bỏng do nóng). Không lâu sau đó, Nitơ lỏng sẽ tấn công vào bên trong cơ thể. Cơ bắp, mỡ máu và bất cứ chất lỏng nào mà bạn có trong người sẽ bị đông cứng thành dạng rắn. Nếu cố gắng giữ đầu nổi bên trên bể Nitơ lỏng này, việc phần dưới cơ thể bị đông cứng cũng sẽ khiến bạn chìm xuống trong tích tắc. Kết quả cuối cùng chúng ta có được là một cơ thể đông cứng hoàn toàn, như các mẫu vật được bảo quản bằng phương pháp này, mà chúng ta có thể thấy trong phòng thí nghiệm!

Cảm giác đau đến với họ sẽ rất ngắn ngủi nếu rơi vào bể nitơ lỏng.
Cảm giác đau đến với họ sẽ rất ngắn ngủi nếu rơi vào bể nitơ lỏng.

Điều may mắn duy nhất của nạn nhân trong trường hợp trên chính là cảm giác đau đến với họ sẽ rất ngắn ngủi, bởi hệ thần kinh lúc này đã bị thương tổn và không thể truyền cũng như cảm nhận được tín hiệu đau nữa.

Là một con ác mộng đối với người sống. Tuy nhiên, việc bị đông cứng bởi Nitơ lại là một biện pháp mà nhiều người đang muốn áp dụng để bảo quản thi thể mình khi qua đời, cũng có trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư muốn cấp đông cơ thể, khi họ còn sống và bảo quản cho đến khi khoa học công nghệ đủ phát triển để “rã đông” và chữa lành bệnh!.

Cập nhật: 27/06/2024 Theo Dân Trí/ĐSPL
  • 32
  • 6.231