Nếu vô tình nuốt phải, bã kẹo cao su có thể chống lại các quá trình tiêu hóa, nhưng cuối cùng nó vẫn bị đào thải ra khỏi cơ thể sau vài ngày.
Theo Business Insider, khi chúng ta nhai thức ăn, răng và lưỡi phối hợp cùng nhau để biến thức ăn thành các phần tử nhỏ hơn. Những chuyển động của cơ bắp đẩy thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa tới dạ dày, hòa trộn với dịch tiêu hóa.
Kẹo cao su di chuyển thành khối lớn qua đường tiêu hóa nếu nuốt nhầm. (Ảnh: GIPHI).
Trong khi đó, các enzyme hay protein có trong nước bọt, dạ dày, ruột dần phá vỡ cấu trúc thức ăn, biến đổi chúng thành chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Axit trong dạ dày phân hủy những gì còn sót lại của thức ăn để chuyển xuống ruột, và cuối cùng đào thải khỏi cơ thể.
Theo Tiến sĩ Jagdish Kathwate, chuyên gia tư vấn về Sơ sinh và Bác sĩ Nhi khoa, Bệnh viện Motherhood Kharadi Pune ở Ấn Độ, kẹo cao su chỉ được dùng để nhai chứ không nuốt. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng nếu vô tình nuốt nó.
"Không có tác động tiêu cực nào được biết đến khi nuốt kẹo cao su, vì vậy đừng lo lắng. Tuy nhiên, kẹo cao su sẽ nằm rất lâu trong dạ dày bạn trước khi bạn có thể tiêu hóa nó", Kathwate nói, cho biết thêm bã kẹo ca su thậm chí có thể đi qua dạ dày và ra ngoài theo chất thải.
Trẻ em thường được nhắc không nên nuốt kẹo cao su vì sẽ mất 7 năm để tiêu hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, kẹo cao su không tồn tại trong cơ thể người nhiều năm như vậy, theo Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng ở Trung tâm dinh dưỡng con người thuộc Cleveland Clinic tại Ohio. Bà cho biết kẹo cao su mất khoảng 40 giờ để truyền qua hệ tiêu hóa ra thải ra ngoài qua hệ bài tiết.
Con người không thực sự tiêu hóa kẹo cao su bởi cơ thể không có enzyme tiêu hóa một số sản phẩm như kẹo cao su, tiến sĩ Nancy McGreal, nhà nghiên cứu dạ dày - ruột ở Trung tâm y khoa Đại học Duke cho biết. Nếu con người nuốt kẹo cao su, nó sẽ bị thải ra toàn bộ. "Tôi đã nội soi đại tràng một số trường hợp và tìm thấy mẩu kẹo cao su mà bệnh nhân nuốt phải. Nhưng có thể họ đã nuốt trong vòng 24 giờ, không phải thứ từ 7 năm trước", McGreal nhấn mạnh.
Kẹo cao su không bị tiêu hóa giống như thực phẩm thông thường do chúng chứa cao su tự nhiên hoặc cao su tổng hợp.
Cao su butyl, thường được dùng làm kẹo cao su cũng như lốp xe hay bóng rổ, là loại cao su tổng hợp góp phần tạo ra độ dai lý tưởng cho viên kẹo.
Quá trình nhai không làm ảnh hưởng đến kẹo cao su. Vì vậy, khi bạn vô tình nuốt kẹo, nó di chuyển thành khối lớn qua đường tiêu hóa vào dạ dày. Enzyme phân hủy carbohydrate, dầu và rượu có trong kẹo giống như thức ăn thông thường, nhưng chất nền cao su của kẹo "miễn dịch" với các enzym này.
Phần lớn thành phần của kẹo cao su không thể tiêu hóa. (Ảnh: iStock).
Hệ tiêu hóa sẽ mất nhiều thời gian để xử lý bã kẹo cao su. Quá trình xử lý mất thời gian do hệ tiêu hóa cần phải phá vỡ, làm nhỏ phần bã kẹo. Trong một số trường hợp hiếm gặp, hiện tượng tắc nghẽn đường tiêu hóa do nuốt phải kẹo cao su có thể xảy ra, gây cảm giác buồn nôn trong một thời gian. Tuy nhiên, không có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng từ việc nuốt kẹo cao su.
Trẻ em dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn người lớn khi nuốt kẹo cao su. Một đứa trẻ nếu nuốt quá nhiều kẹo cao su, nhất là trong trường hợp chúng đang bị táo bón, có khả năng bị tắc ruột.
New York Times trích dẫn một nghiên cứu năm 1998 được công bố trên Tạp chí Nhi khoa, mô tả một số trường hợp trẻ em bị "tắc nghẽn đường ruột" do nuốt nhiều miếng kẹo cao su. Những mảnh kẹo này sau đó đông đặc lại thành khối lớn hơn cùng các vật phẩm không phải thực phẩm khác trong ruột trẻ. Tắc nghẽn ruột có thể dẫn đến hiện tượng khó chịu, buồn nôn và táo bón.
Theo Tiến sĩ Kathwate, trẻ em có thể ăn kẹo cao su không đường, nhưng chỉ được phép ăn một miếng mỗi ngày. Ngoài ra, tốt nhất là nên đi khám bác sĩ trước khi cho trẻ nhai kẹo cao su. Sau khi nhai kẹo cao su, cần cẩn thận vứt bỏ bã kẹo.
Nếu bạn không may nuốt nhiều kẹo cao su và có một số triệu chứng tắc ruột như đau bụng, táo bón, buồn nôn, chuột rút... bạn nên tìm đến sự hỗ trợ y tế.