Viễn cảnh đen tối có thể sẽ xảy ra khi Trái đất xê dịch khỏi quỹ đạo.
Trong tiểu thuyết "The Wandering Earth" của nhà văn Lưu Từ Hân, ông miêu tả một kịch bản "không tưởng", khi các nhà lãnh đạo của thế giới quyết định đưa Trái đất rời khỏi Hệ Mặt trời để thoát khỏi một vụ nổ lớn sắp xảy ra. Trong truyện, vụ nổ được mô tả là mạnh tới mức sẽ hủy diệt tất cả các hành tinh lân cận.
Liệu Trái đất có thực sự rời khỏi Hệ Mặt trời vào một ngày nào đó?
Mặc dù cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn dựa trên lĩnh vực khoa học viễn tưởng, nhưng nó vẫn khiến các nhà khoa học băn khoăn: Liệu Trái đất có thực sự rời khỏi Hệ Mặt trời vào một ngày nào đó?
"Tôi không chắc rằng điều này có thể xảy ra", Matteo Ceriotti, một kỹ sư hàng không kiêm giảng viên kỹ thuật Hệ thống vũ trụ tại Đại học Glasgow (Anh) cho biết khi được hỏi về chủ đề này.
Tuy nhiên, Ceriotti nhấn mạnh "không chắc" không có nghĩa là "không thể". Ông cho rằng về mặt lý thuyết, điều này có thể được thực hiện thông qua tác động của một vật thể khổng lồ.
"Trái đất có thể bị dịch chuyển khỏi quỹ đạo nếu như chịu tác động của một vật thể khổng lồ xuất phát từ bên ngoài Hệ Mặt trời", ông cho biết. "Và điều này hoàn toàn không thể thấy trước. Nếu vật thể đủ nhanh, đủ lớn và đủ gần, nó có thể 'đánh bật' Trái đất khỏi quỹ đạo vốn có".
Các hành tinh hiện đang ở trong một quỹ đạo ổn định xung quanh Mặt trời.
Timothy Davis, một giảng viên cao cấp về vật lý và thiên văn học tại Đại học Cardiff (Anh) đồng ý với quan điểm này, nhưng dưới một góc độ khác.
Ông cho rằng các hành tinh hiện đang ở trong một quỹ đạo ổn định xung quanh Mặt trời. Tuy nhiên, nếu Mặt trời "đụng độ" với một ngôi sao khác, mọi thứ hoàn toàn có thể đảo lộn.
"Các hành tinh di chuyển xung quanh Mặt trời nhờ lực tương tác hấp dẫn. Tuy nhiên, lực này có thể bị xáo trộn nếu Mặt trời "xảy ra chuyện", khiến Trái đất và các hành tinh khác mất quỹ đạo bay vốn có", Davis nói.
Dẫu vậy, ông cũng thừa nhận những "cuộc gặp gỡ" giữa các ngôi sao như vậy là khá hiếm. Trong lịch sử, chúng ta từng ghi nhận chỉ có duy nhất ngôi sao Gliese 710 với quỹ đạo bay có thể tiến sát Hệ Mặt trời, nhưng trong một chu kỳ kéo dài tới 1 triệu năm.
Các nhà khoa học đều đồng ý rằng một sự kiện như vậy còn lâu mới xảy ra. Thế nhưng trong trường hợp xấu nhất, điều gì sẽ xảy ra với Trái đất khi chúng ta tách khỏi Hệ Mặt trời?
Dù với bất kỳ lý do nào, việc Trái đất rời khỏi Hệ Mặt trời chắc chắn sẽ dẫn đến sự diệt vong của hầu hết sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Khi Trái đất không còn nằm trong Hệ Mặt trời, thì chúng ta sẽ di chuyển không theo quỹ đạo.
Một giả thuyết được tin tưởng, đó là khi Trái đất không còn nằm trong Hệ Mặt trời, thì chúng ta sẽ di chuyển không theo quỹ đạo. Lúc đó, Trái đất sẽ bay vào không gian giữa các vì sao cho đến khi bị một ngôi sao khác hoặc một lỗ đen nuốt chửng.
Trên bề mặt hành tinh cũng sẽ xuất hiện băng giá, vì càng di chuyển xa khỏi Mặt trời, nhiệt độ càng thấp. Cuối cùng, Trái đất sẽ tiến tới đóng băng hoàn toàn.
Bên cạnh đó, hầu hết nguồn sống mà các sinh vật cư trú trên Trái đất đều bắt nguồn từ Mặt trời, dẫu là trực tiếp (như thực vật quang hợp), hay gián tiếp (như động vật ăn cỏ, cây cối…). Nếu như rời xa khỏi Mặt trời, cũng đồng nghĩa với sự sống biến mất.
Bầu khí quyển cũng nhiều khả năng sẽ không còn tồn tại. Trước khi nguội lạnh, khí hậu toàn cầu trên Trái đất cũng rơi vào trạng thái hỗn loạn do mất đi sự cân bằng bức xạ đến từ Mặt trời và năng lượng cũng sẽ bị tiêu tán vào không gian sâu.
Bên cạnh những sự kiện mang tính ngẫu nhiên, các nhà khoa học cũng dự đoán rằng thiên hà của chúng ta sẽ va chạm với thiên hà Andromeda (cách 2,5 triệu năm ánh sáng), dẫn tới sự xáo trộn lớn trong Hệ Mặt trời. Không chỉ vậy, người ta cũng dự đoán Mặt trời sẽ phóng to và nhấn chìm Trái đất trong vòng 5 tỷ năm tới.
Dẫu vậy, chúng ta không phải lo lắng về điều này trong vài tỷ năm tới.