Dinh dưỡng tốt khi mang thai giữ một vai trò quan trọng giúp bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai, khi sinh, và nuôi trẻ sau sinh. Đối với thai, việc mẹ được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất sẽ bảo đảm cho thai nhi phát triển tốt và phòng tránh được một số khuyết tật.
Những thay đổi ở phụ nữ mang thai có liên quan đến dinh dưỡng
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi trên hầu hết các cơ quan: nhu cầu về năng lượng và các dưỡng chất đều gia tăng, hấp thu ở ruột tăng, thay đổi về chuyển hóa cơ bản, và có một số biểu hiện do sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể như: chán ăn một hoặc nhiều món ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, bón. Những thay đổi này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng cân của thai phụ.
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của thai phụ
Đánh giá sự tăng cân
Xử trí tăng cân ít khi mang thai Tăng năng lượng ăn vào bằng cách: ăn nhiều bữa, ăn các thực phẩm có đậm độ năng lượng cao như: dầu, mỡ, các thức ăn chiên, xào, thức ăn ngọt. Chủ động tránh những thức ăn có mùi khó chịu gây kích thích nôn ói, chuẩn bị sẵn những thức ăn ưa thích, dễ ăn. Sử dụng các thực phẩm bổ sung: sữa dành cho các bà mẹ mang thai. |
Tăng cân đủ là một yếu tố giúp xác định thai kỳ khỏe mạnh. Tăng cân ít thường gặp ở các thai kỳ bệnh lý hoặc dinh dưỡng kém.
Thai kỳ tăng cân ít: tăng cân ít trong lúc mang thai thường đi kèm với thai chậm tăng trưởng trong tử cung và tỷ lệ tử vong chu sinh cao.
Thai kỳ tăng cân nhiều: tăng cân quá nhiều khi mang thai sẽ dẫn đến tình trạng béo phì sau khi sinh của mẹ và cân nặng của trẻ sơ sinh cao (>4.000g), từ đó đưa đến những khó khăn khi sinh con như: chuyển dạ kéo dài, khó sinh do vai, sinh mổ, chấn thương khi sinh, ngạt, khi mẹ tăng cân quá nhiều đi kèm với cân nặng của trẻ sơ sinh quá lớn thì cũng cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ.
Đánh giá khẩu phần ăn: thai phụ trước tiên phải thực hiện theo “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý” của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2006 – 2010). Đồng thời xem khẩu phần ăn có tăng so với lúc chưa mang thai hay không? Có uống bổ sung sắt và acid folic đúng thời điểm không?
Nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ
Năng lượng: tổng năng lượng bổ sung cho toàn thai kỳ là 55.000 Kcal, nhằm phục vụ cho việc hình thành một trẻ sơ sinh có cân nặng từ 3-3,4kg, tích tụ 0,9kg protien, 3,8kg mỡ và phục vụ cho các chuyển hóa trong cơ thể thai phụ, cụ thể là mỗi ngày thai phụ cần được cung cấp thêm 350Kcal so với lúc không mang thai.
Chất đạm: các acid amin thiết yếu (histidine, isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan và valine) phải được cung cấp đủ trong khẩu phần, vì chúng không thể tổng hợp được trong cơ thể. Thai nhi cần số lượng lớn chất đạm để tăng trưởng và tích tụ protein mới. Lượng đạm tăng thêm được khuyến nghị bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia là 15g mỗi ngày. Nguồn đạm tốt cho thai phụ có trong hầu hết là các thực phẩm dùng hàng ngày: thịt, cá, trứng, sữa, pho-mát, ngũ cốc, các loại đậu…
Tăng lượng đạm là cần thiết để duy trì một thai kỳ thành công.
Chất sắt: thiếu máu do thiếu chất sắt là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai (30-50%). Hậu quả của thiếu máu thiếu sắt khi có thai là: kết quả thai kỳ kém (không đạt được mẹ tròn con vuông), trẻ sinh ra nhẹ cân, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cao ở mẹ lẫn con. Biểu hiện của thiếu máu bao gồm: da xanh, niêm mạc nhợt, cơ nhão, làm việc mau mệt và ưa buồn ngủ.
Sắt là vi chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên nên bổ sung cho phụ nữ mang thai. Liều lượng bổ sung mỗi ngày từ 30-60mg, thời gian bổ sung kéo dài từ khi biết có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng. Nên uống viên sắt giữa các bữa ăn với các thức uống không phải là sữa, trà, cà phê.
Thực phẩm giàu sắt bao gồm: các loại thịt, huyết, trứng, gan, tim, các loại rau lá có màu xanh đậm. Sắt có trong thức ăn động vật dễ hấp thu hơn sắt có trong thức ăn thực vật.
Acid folic (vitamin B9): có vai trò quan trọng trong việc phân chia các tế bào, vì vậy ngoài việc tham gia trong quá trình tạo ra tế bào hồng cầu, acid folic còn giữ vai trò quyết định trong việc hoàn thiện ống thần kinh của thai nhi. Hậu quả của thiếu acid folic là khiếm khuyết ống thần kinh gây ra thai vô sọ, thoát vị não - màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống.Vì ống thần kinh của thai nhi được hình thành trong 4 tuần đầu của thai kỳ, nên việc bổ sung acid folic phải được thực hiện ngay từ khi có ý định mang thai cho đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ. Liều bổ sung được khuyến nghị là 0,4 0,8mg/ngày. Thực phẩm có nhiều acid folic: thịt bò, gan, giá sống, rau xanh, củ cải, bông cải, đậu nành… Nhưng cần lưu ý là acid folic rất dễ bị hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.
Giải quyết những rắc rối thường gặp trong thai kỳ
Buồn nôn, nôn: ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, tránh mùi và các loại thức ăn kích thích nôn ói, giữ tinh thần thoải mái.
Ợ nóng (nóng sau xương ức): ăn nhiều bữa nhỏ, tránh động tác cong người, không nằm ngang, đầu thấp.
Táo bón: duy trì thói quen đi tiêu đúng giờ, ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước (trên 2 lít mỗi ngày).
Biếng ăn: ăn nhiều bữa, tạo điều kiện để thai phụ được ăn những món mà họ ưa thích.
Phù: hạn chế đứng nhiều, ngồi nhiều, giảm ăn mặn, nằm, đặc biệt là nằm nghiêng giúp giảm phù.
Trĩ: tránh táo bón, tránh đứng nhiều, nên nằm nghiêng, kê chân cao khi nằm.
Thai kỳ có yếu tố nguy cơ
Những thai kỳ có yếu tố nguy cơ dễ có diễn tiến bất lợi cho mẹ và con, vì vậy cần có sự hướng dẫn, chăm sóc trực tiếp từ bác sĩ. Những yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi dưới 18, chiều cao dưới 145cm, đã sinh trên hoặc bằng 4 lần; những thai kỳ trước có diễn biến bất thường như: băng huyết, sản giật, sinh khó, sinh mổ, con chết tuần đầu sau sinh…; đang có bệnh (tim, phổi, thận), thai kỳ hiện tại có những biểu hiện “bất thường” về tuổi thai, cân nặng mẹ, chiều cao tử cung, ngôi thai, xuất huyết âm đạo…