Con người và hầu hết các loài động vật đều có nhu cầu "xì hơi". Nhưng còn cây cối thì sao?
Xì hơi, trung tiện hay "thả bom" là nhu cầu cơ bản của tất cả chúng ta. Mà không chỉ loài người đâu, cả chó, mèo, gia súc, chồn, ếch, nhái, thậm chí cả cá voi cũng có nhu cầu này. Chỉ một số ít các loài như bạch tuộc và chim chóc là không cần thôi.
Đến cá cũng thả bom.
Nhưng đó là động vật. Còn thực vật thì sao nhỉ? Liệu các loài cây có khả năng tự xả ra các bọng khí tích tụ trong cơ thể, giống như cách các loài động vật xì hơi?
Nếu coi "xì hơi" là hành động xả khí thừa trong cơ thể thông qua hậu môn, thì thực vật không biết làm điều đó. Tuy nhiên, cây cối thực sự có thể xả khí qua những con đường khác. Nó không giống như quá trình hô hấp vì thành phần khí xả ra có cả methane - thứ được tìm thấy trong khí trung tiện của người và động vật.
Cây cối có thể "xì hơi", nhưng theo cách của thực vật.
Hay nói cách khác, cây cối có thể "xì hơi", dù là theo cách của thực vật. Khoa học đã chỉ ra rằng vi khuẩn bên trong cây cối có thể tạo ra khí methane thông qua quá trình phân giải các chất dinh dưỡng, giống hệt như trong cơ thể người. Chỉ khác là cây cối thải methane qua vỏ cây hoặc thân cây.
Trên thực tế, việc các loài cây có thể xả ra methane chỉ mới được tìm ra vào năm 2006. Trước đó, khoa học chỉ xác nhận được một số loài thực vật sống dưới đầm lầy là có khả năng này, thông qua các bong bóng mà chúng tạo ra.
Patrick Megonigal - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường Smithsonian cho biết hiện tại vẫn chưa rõ việc "xì hơi" này có ích lợi cụ thể gì cho thực vật hay không. Chỉ biết rằng có một số loài cây thả nhiều bom hơn so với phần còn lại.
Cây xấu hổ là loài có khả năng xì hơi cực nhiều.
Theo như một nghiên cứu vào năm 2016 trên tạp chí Plant Physiology, cây xấu hổ (cây trinh nữ) là một trong những loài cây chăm "xì hơi" nhất. Mỗi khi bị đụng chạm, lá cây sẽ co lại, đồng thời bầu không khí xung quanh bắt đầu dâng lên một mùi khó ngửi. Các chuyên gia cho rằng loài cây này có khả năng xả khí qua rễ cây để xua đuổi kẻ thù, với thành phần là các hợp chất gốc lưu huỳnh.
Tóm lại xét trên nhiều góc độ, cây cối có khả năng "thả bom", dù hơi khác so với các loài động vật thông thường.