Túi gói thức ăn, dầu gội, quần áo và những sản phẩm gia đình có chứa một số loại hóa chất có thể là nguyên nhân gây hiếm muộn thậm chí là vô sinh ở phụ nữ.
TS Chunyuan Fei, trưởng nhóm nghiên cứu trường ĐH California (Los Angeles, Mỹ) cho biết đây là nghiên cứu quy mô đầu tiên về đề tài này.
Hóa chất là TS Fei cùng các cộng sự tìm thấy thuộc nhóm perfluorinated (PFCs) được dùng phổ biến trong quá trình sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ các loại thảm vải tới thuốc trừ sâu. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tập trung vào 2 chất là perfluorooctane sulfonate (PFOS) và perfluorooctanoate (PFOA) - những hợp chất hữu co khó phân hủy.
Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy sự liên quan giữa PFOS và PFOA với tình trạng ngộ độc ở gan, hệ miễn dịch và hệ sinh sản của động vật. Ở người, Fei và các cộng sự cũng đã nhận thấy những phụ nữ “mắn con” có lượng chất PFOS và PFOA trong máu thấp hơn những phụ nữ hiếm con.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của một nghiên cứu về sức khỏe sinh sản với hơn 1.200 phụ nữ vừa mang thai. Toàn bộ các phụ nữ này đều có kế hoạch sinh con. Tuy nhiên, khoảng 30% trong số này phải mất 6 tháng mới “đậu” thai. 50% thì mất tới hơn 1 năm mới thỏa nguyện.
Kiểm tra kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nhóm khó thụ thai nhất có lượng chất PFOA cao gấp 40 lần và lượng chất PFOS cao gấp 16 lần so với những phụ nữ khác.
Phân tích cũng cho thấy, những phụ nữ có lượng chất PFOS trong máu lên tới 134% sẽ phải mất 6 tháng hoặc lâu hơn mới có thể mang thai. Còn khi chất PFOA lên tới 154% thì sẽ có thể gặp trục trặc, cần sự can thiệp y học.
Theo chuyên gia dịch tễ học David Savitz, đây là những phát hiện rất quan trọng, bởi vì PFOS và PFOA là những chất gần như không thể tránh tiếp xúc. Chúng ta chỉ có cách là hạn chế mức thấp nhất vào cơ thể nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu bao quát nào.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định: “Còn quá sớm để đưa ra một khuyến cáo nào đó về các đồ dùng, vật dụng có chứa các chất trên”.