Khi virus và phần mềm nguy hiểm bùng phát, những biện pháp để ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin trong quá trình triển khai mạng IP đồng quy (converged IP) trở thành mối quan tâm hàng đầu của người điều hành công ty.
Theo nghiên cứu mới đây của EIU (Anh) và AT&T (Mỹ), 26% trong số 236 nhà quản lý doanh nghiệp tại 50 nước tham gia điều tra thừa nhận bảo mật là vấn đề khiến họ lo ngại nhất. Trong khi đó, chỉ có 23% đánh giá chi phí triển khai là điều đáng bận tâm nhất và 19% lựa chọn "khoản đầu tư cho thiết bị mới".
62% số người tham gia cho biết có khả năng họ sẽ vẫn thiết lập mạng IP trong 3 năm tới, dù 63% công nhận rằng quá trình xử lý dữ liệu khách hàng trực tuyến có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bảo mật. Bên cạnh đó, thiết bị di động đang được sử dụng rộng rãi hơn trong công ty, mở ra nhiều con đường xâm nhập mạng.
Theo các nhà quản lý, nguy cơ an ninh thực sự xuất phát từ chính nhân viên trong doanh nghiệp. Họ tin rằng hầu hết các cuộc tấn công xảy ra là do nguyên nhân nội tại như cố ý phá hoại, gián điệp kinh tế hay đơn giản chỉ là những lỗi không chủ định.
Một số mối đe dọa khác như lừa đảo trực tuyến, với mánh khóe xây dựng site giống hệt trang web thương mại để thu thập tên và mật khẩu người dùng, sẽ tăng nhanh trong nhiều tổ chức kinh doanh thời gian tới. DoS cũng đang hướng mũi tấn công trực tiếp vào các viện tài chính bằng những biện pháp tinh vi và chính xác hơn. Doanh nghiệp đang trở thành nạn nhân của những tay tội phạm mạng chuyên kiếm tiền bất chính, chứ không phải "những cậu bé tò mò về công nghệ" như trước đây.
Công ty AT&T, hiện kiểm soát khoảng 18-20% lưu thông mạng, đã tiến hành cuộc điều tra nhằm sớm tìm ra biện pháp đối phó trước khi vấn đề bảo mật lan rộng. "Đợi đến khi một điều gì đó xảy ra rồi mới hành động luôn luôn là quá muộn", Kees Vos, một giám đốc của AT&T, khẳng định.
T.N. (theo InfoWorld)