Các nhà khoa học Anh vừa phát triển thành công một hệ thống quét ngực đột phá. Sử dụng công nghệ dò mìn mới nhất, họ có thể phát hiện khối u chỉ trong vẻn vẹn 8 giây.
Không đau đớn và quét bằng sóng radio, loại máy này an toàn hơn nhiều so với phương pháp mammogram (chụp X-quang vú với phóng xạ thấp – ND) truyền thống. Không những vậy, giá thành của nó cũng rẻ hơn và áp dụng được cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, chứ không bị giới hạn như mammogram.
Theo Daily Mail, các chuyên gia hy vọng thiết bị có tên Maria này sẽ được sử dụng rộng rãi trong vòng 5 năm tới tại Anh.
Một thực tế là hiện nay, nhiều phụ nữ dưới 50 tuổi không đi chụp mammogram định kỳ để phát hiện ung thư sớm, một phần cũng vì lo nhiễm phóng xạ hàm lượng thấp. Hơn nữa, các mô vú của họ vẫn còn dày và nhiều lớp nên việc dùng tia X để phát hiện khối u sẽ khó hơn. Trong khi đó, sử dụng sóng âm radio sẽ phát hiện bất thường ở mọi lớp mô một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đặc điểm hấp dẫn nhất ở Maria là nó cho phép xét nghiệm không hề đau đớn. Đối với Mammogram, người bệnh phải chịu cảnh ép ngực giữa hai khung phát tia X. Nhưng với Maria, ngực sẽ được giữ trong một máy quét hình chén bằng sứ và dữ liệu sẽ được truyền sang máy tính chỉ trong vòng 8 giây để tạo nên hình chụp 3D.
Chia sẻ trên DailyMail, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống Maria dựa trên một dự án phát hiện mìn dân sự, với khả năng định vị các vật gây nổ, không có gốc kim loại trong đất. Tương tự, Maria cũng có thể tìm kiếm những “điểm nóng” nguy hiểm trong ngực nhờ tín hiệu quét của sóng âm.
Trong các thí nghiệm trước đây, Maria có thể phát hiện đúng 80% số phụ nữ có khối u, một tỷ lệ thành công tương đương với các phương pháp hiện hành là chụp siêu âm, mammography và MRI (Chụp cộng hưởng từ). “Chúng tôi rất phấn khích về tiềm năng của hệ thống này. Nó không có bất cứ nhược điểm nào của các công nghệ hiện nay, lại nhanh chóng, an toàn, dễ dùng và rẻ. Hình ảnh chụp ra nét và có độ nhạy cao”, Bác sĩ Mike Shere, chuyên gia về ung thư vú của Bệnh viện Southmead (Anh) nhận định.