Một cộng đồng sinh vật quái dị ở Mỹ, từng làm bùng lên hy vọng cho các cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, thật ra có rất nhiều "bà con" ở châu Âu và châu Á.
Đó là những vi sinh vật thích sống trong... nước sôi, mà một trong những đại diện sớm nhất được biết đến là nhóm sống ở Công viên quốc gia Yellowstone của Mỹ, vùng đất luôn sôi sục bởi hệ thống núi lửa dữ dội hàng đầu thế giới.
"Ngôi nhà" nước sôi của các vi sinh vật ở Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) - (Ảnh: ORNL).
Những sinh vật ưa sống ở nơi "hỏa ngục" này, cùng với những loài đối lập được tìm thấy sâu dưới lòng băng vĩnh cửu địa cực, hay sống không cần nước ở sa mạc Atacama (Chile) từng đem lại hy vọng mới cho các nhà nghiên cứu vũ trụ.
Bởi lẽ chúng là bằng chứng cho thấy sự sống có thể tồn tại ở những điều kiện cực đoan, không hề "phù hợp với sự sống" như suy nghĩ truyền thống, tức một số hành tinh quá nóng hoặc quá lạnh, hay quá khô cạn, vẫn có thể sống được.
Vì vậy nghiên cứu những "người anh em của sinh vật ngoài hành tinh" ngay trên Trái đất luôn đem lại giá trị đặc biệt.
Theo Sci-Tech Daily, nghiên cứu mới từ Mỹ - Iceland - Nhật Bản, dẫn đầu bởi nhà khoa học Mircea Podar của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL - Mỹ), đã xem xét nhiều suốt nước nóng ở cả ba đất nước này.
Đó là những nơi có nhiệt độ khắc nghiệt 65 độ C trở lên, từng được coi là quá nóng để bất cứ thứ gì sống được.
Đáng kinh ngạc, vi sinh vật ưa nước sôi sống đầy trong các vùng nước "địa ngục" đó, bao gồm những nơi có địa chất và hóa học độc đáo.
Sốc hơn, chúng có mối liên hệ di truyền chặt chẽ với nhau, dù sống xa nhau hàng chục ngàn km, cho thấy một mối quan hệ tiến hóa vô cùng phức tạp.
Cách mỗi loài thích nghi với điều kiện địa phương của từng suối nước nóng cũng đem lại những hiểu biết mới nhiều giá trị về cách chúng đã tiến hóa ở nơi khắc nghiệt như thế giới ngoài hành tinh.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Environmental Microbiology, cho biết cách mà các sinh vật này tiến hóa có thể giúp mở đường cho các ứng dụng công nghệ sinh học tiềm năng.