Đông Nam Á: Cúm gia cầm trở lại

  •  
  • 75

Sau một thời gian tạm lắng, cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện trở lại tại khu vực Đông Nam Á với những diễn tiến phức tạp. Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới tại Thái Lan và Lào.

Thái Lan: 2 ổ dịch, Lào: 1

Các khu vực có cúm gia cầm ở Thái Lan, Lào
Các khu vực có cúm gia cầm ở Thái Lan, Lào  (Ảnh: TP)
Tại Thái Lan, chỉ trong hai tuần cuối tháng bảy đã xảy ra hai ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch thứ nhất xuất hiện tại tỉnh Phichit (bắc Thái Lan) làm một thanh niên 17 tuổi tử vong ngày 24/7, buộc chính quyền phải tiêu hủy hàng trăm gia cầm.

Sau đợt dịch này, có 131 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm đang chờ kết quả xét nghiệm, trong đó có 37 ca tập trung ở tỉnh Phichit, số còn lại thuộc hai tỉnh láng giềng Sukhothai, Phitsanulok và tỉnh miền trung Suphanburi.

Đến cuối tuần trước lại có thêm một ổ dịch bùng phát tại tỉnh Nakhon Phanom, cách thủ đô Bangkok 740km về phía đông bắc, giáp biên giới Lào, khiến hơn 2.000 gia cầm chết. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 30/7, chính quyền Thái Lan đã phải tiêu hủy 310.000 con gà tại 8 trang trại ở Nakhon Phanom.

765 người từng tiếp xúc với gia cầm ở tỉnh này đang được theo dõi sức khỏe trong vòng hai tuần. Trong số đó hai người có triệu chứng bệnh cúm và đã được cho uống Oseltamivir, một loại thuốc dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus H5N1.

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Thái Lan Charal Trinwuthipong cho rằng nguồn gốc phát sinh ổ ịch hai tại Thái Lan nằm trong gia cầm và trứng nhiễm bệnh được vận chuyển từ “bên kia bên giới”, ám chỉ nước láng giềng Lào.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trinwuthipong phát biểu như vậy, vì vào ngày 28/7 Lào đã xác nhận một ổ dịch cúm gia cầm bùng phát tại một trang trại nuôi gà ở quận Xaythany, cách thủ đô Vientiane 25km về phía nam, cách Nakhon Phanom 300km về phía tây bắc.

Trong ổ dịch này đã có hơn 2.500 gia cầm chết vì bệnh và 3.500 con bị tiêu hủy. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế. Đến 1-8, quận Xaythany lại phát hiện thêm hai ổ cúm gia cầm mới tại hai trại chăn nuôi.

Trúng dịp phát tán nhanh

Các chuyên gia cho rằng tháng tám là thời điểm bắt đầu chuyển sang mùa lạnh, tạo điều kiện cho virus cúm gia cầm phát tán nhanh hơn. Tổng giám đốc Sở Vật nuôi Thái Lan Yukol Limlamthong nhận định đây là giai đoạn mà “nguy cơ phát tán virus H5N1 cao nhất trong năm” tại Thái Lan, vì mưa lũ xảy ra trên cả nước khiến sức khỏe gia cầm yếu đi, dễ nhiễm bệnh.

Ngày 31/7, quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Sudarat Jeyuraphan đã tuyên bố tình trạng báo động cúm gia cầm trên phạm vi toàn quốc, đặt toàn bộ 76 tỉnh của Thái Lan trong tình trạng “khu vực dịch bệnh động vật” với các qui định kiểm soát chặt chẽ hơn về vận chuyển gia cầm và xử lý gia cầm chết.

Cùng ngày, Bộ Khoa học y tế Thái Lan đã thiết lập hai phòng thí nghiệm di động tại tỉnh Phichit và Nakhon Phanom để làm xét nghiệm cho các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cũng đã yêu cầu thành lập một đội tư vấn nhằm hỗ trợ tư vấn cho các bệnh viện cộng đồng tại Nakhon Phanom biện pháp phát hiện và điều trị những trường hợp nhiễm virus H5N1.

Thái Lan sẽ cử một phái đoàn sang Lào vào ngày 3/8 để thảo luận biện pháp hợp tác phòng chống. Trong khi đó, Lào cũng đã tiến hành nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chính quyền Vientiane ngày 1/8 đã yêu cầu khoanh vùng, lập chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Vientiane và 19 bản thuộc quận Xaythany để kịp thời ngăn chặn các hoạt động vận chuyển gia cầm mang dịch cúm, tiêu hủy hơn 18.000 con gà và 21.000 quả trứng.

Mặc dù chưa có gia cầm nhiễm bệnh nhưng Malaysia, nước láng giềng của Thái Lan, đã báo động nguy cơ lây nhiễm và tăng cường kiểm soát khu vực biên giới với Thái Lan để ngăn chặn các vụ buôn lậu gia cầm. Một số tỉnh tại Malaysia đã diễn tập phòng chống cúm gia cầm.

Theo Tuổi trẻ, Tiền Phong
  • 75