Động vật lưỡng cư có thể đánh hơi dưới nước

  •  
  • 943

Người ta luôn tin rằng động vật lưỡng cư có vú không thể ngửi được khi chúng lặn xuống nước. Nhưng một nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng chuột mũi sao ở Bắc Mỹ có khả năng đánh hơi tìm mồi dưới nước bằng những bóng khí nhả ra từ miệng.

"Đối với tôi, phát hiện này là cực kỳ bất ngờ, bởi từ trước tới nay ai cũng nghĩ rằng động vật có vú không thể ngửi dưới nước. Khi động vật có vú chuyển sang sống ở môi trường nước, thính giác của chúng thường thoái hóa. Những động vật lưỡng cư - như cá heo và cá voi - đã mất đi khả năng ngửi", Kenneth Catania, giáo sư sinh học tại Đại học Vanderbilt University, thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ, phát biểu.

Catania bắt đầu theo dõi loài chuột chũi mũi hình sao (tên khoa học là Condylura cristata) sau khi ông nhìn thấy một con thổi rất nhiều bóng không khí trong lúc bơi. Ông và cộng sự chọn 5 con chuột mũi sao, cho chúng vào lồng kính đựng nước. Sau đó, họ đặt một số sâu đất, cá nhỏ, mấy mẩu sáp ong và silicon dưới đáy lồng. Các nhà khoa học đo lượng không khí mà chuột hít vào và thở ra nhờ một camera tốc độ cao gắn ở bên dưới lồng kính.

Điều đáng chú ý đầu tiên là các con chuột nhả bóng khí ra ngoài lỗ mũi và nuốt chúng ngay sau đó. "Chuột không nuốt được hết bóng khí mà chúng nhả ra, nhưng phần lớn không khí đã quay trở lại lỗ mũi của chúng", Catania nói.

Chuột chũi mũi hình sao - Condylura cristata
Chuột chũi mũi hình sao - Condylura cristata (Ảnh: discoverlife)

Những bóng khí của chuột mũi sao được nhả ra và hít vào với tốc độ khá nhanh - khoảng 10 lần trong một giây. Điều này nghĩa là tốc độ hít thở của chuột mũi sao chẳng kém gì chuột đồng hay một số động vật có vú khác.

"Cách đánh hơi của chuột đồng khác hẳn chúng ta. Chúng nhả các bóng khí ra rồi hít vào giống như chuột mũi sao, nhưng ở trên cạn, chứ không phải dưới nước", Catania cho biết.

Theo Catania, khi chuột mũi sao tiến tới gần một mục tiêu, chúng liền há miệng thổi bóng khí về phía nó rồi dùng hai lỗ mũi hít lại ngay lập tức.

"Do những tế bào thần kinh khứu giác của chuột mũi sao được bao phủ bởi màng nhầy nên chúng có thể ngửi được mùi của những chất hòa tan. Khi những bóng khí chạm vào mục tiêu, rất có thể những phân tử có mùi từ đó đã theo không khí vào mũi khi chúng hít các bóng khí", Catania giải thích.

Nhưng việc chuột mũi sao phát hiện ra những phân tử mùi dưới nước không có nghĩa là chúng đã phát hiện ra những phân tử đó. Loài động vật lưỡng cư này có một vũ khí lợi hại: chiếc mũi hình sao được cấu thành bởi 22 xúc tu cực kỳ nhạy cảm và linh hoạt. Mỗi khi chúng đánh hơi một vật, chúng cũng chạm vào bề mặt vật đó bằng các xúc tu.

Để làm rõ vấn đề, Catania phủ lên trên các "mồi" một tấm lưới sắt để ngăn không cho chuột mũi sao chạm mũi vào các mục tiêu. Những mắt lưới quá nhỏ đối với các xúc tu nhưng đủ lớn để các bóng khí lọt qua.

Mũi của chuột mũi hình sao có 22 xúc tu cực kỳ nhạy cảm.

Mũi của chuột mũi hình sao có 22 xúc tu cực kỳ nhạy cảm. (Ảnh: newscientist)

Kết quả cho thấy lũ chuột có thể lần theo dấu vết của các con mồi bằng cách nhả bóng khí rồi hít lại. Ở lần thử đầu tiên, chúng tìm thấy vị trí mục tiêu với độ chính xác từ 75% tới 100%. Sau đó, các chuyên gia thay một tấm lưới có mắt nhỏ hơn, nghĩa là sẽ có ít bóng khí đi qua lưới hơn. Quả nhiên tỷ lệ thành công của những con vật giảm xuống - chỉ còn chưa tới 50%.

Để tìm hiểu xem liệu khả năng đánh hơi dưới nước có tồn tại ở các loài lưỡng cư khác hay không, Catania bắt một số con chuột chù nước rồi tiến hành thử nghiệm tương tự. Ông nhận thấy chúng cũng có hành vi đánh hơi và lần theo dấu vết của con mồi dưới nước.

"Bây giờ thì chúng ta cần tìm hiểu xem còn những động vật lưỡng cư nào có khả năng ấy. Liệu những loài lưỡng cư to lớn như hải cẩu và rái cá có đánh hơi được ở dưới nước không, hay chỉ có những loài nhỏ mới làm được việc ấy?", Catania phát biểu.

Việt Linh

Theo Newscientist, Vnexpress
  • 943