Dự án sông nhân tạo trị giá 71 tỷ USD của Trung Quốc

  •  
  • 132

Dự án sông nhân tạo của Trung Quốc mang đến triển vọng mới cho vấn đề hạn hán tại các quốc gia đang phát triển.

Năm vừa qua, tình hình thời tiết trên thế giới đã có nhiều biến động khó lường, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây là năm số lượng kỷ lục nhiệt độ chưa từng có liên tục bị phá vỡ, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

ột con cừu chết khô trên đường vì đói khát do hạn hán kéo dài ở
Một con cừu chết khô trên đường vì đói khát do hạn hán kéo dài ở khu vực hồ thủy lợi Ông Kinh, xã Nhơn Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi theo những cách không thể lường trước, một giải pháp táo bạo đang được Trung Quốc đưa vào triển khai có thể là bài học cho các quốc gia thường xuyên là nạn nhân của hạn hán kéo dài, như Việt Nam.

Giải pháp có tên "Dự án chuyển hướng nước Nam - Bắc" (SNWTP) được đánh giá là một siêu dự án, khi hướng tới mục tiêu chuyển 44,8 tỉ mét khối nước ngọt từ miền nam của Trung Quốc lên các tỉnh phía bắc mỗi năm. Lượng nước này lớn gấp đôi lưu lượng dòng chảy của sông Colorado, Mỹ.

Được biết, các vùng phía Nam của quốc gia này tương đối trù phú và đầy đủ nước để đáp ứng trồng trọt. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc lại thường xuyên phải hứng chịu tình trạng khô hạn kéo dài. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng khi có tới 1/3 dân số Trung Quốc tập trung ở các lưu vực phía bắc khô hạn.

Dự án chuyển hướng nước Nam-Bắc của Trung Quốc
Dự án chuyển hướng nước Nam-Bắc của Trung Quốc thay đổi cuộc sống của hơn 185 triệu người dân (Ảnh: CGTN).

Dự án được cho là lấy cảm hứng từ câu nói của Mao Trạch Đông, khi ông từng phát biểu: "Miền Nam có thừa nước, còn miền Bắc thì thiếu. Vậy nếu có thể, tại sao không mượn một ít?".

Theo mô tả, nước được vận chuyển trên một con sông nhân tạo với lưu lượng gần như hoàn toàn về hạ lưu thông qua một mạng lưới các sông và kênh đào nhân tạo.

Mạng lưới gồm 3 nhánh chính, được đặt tên là nhánh Tây, nhánh giữa và nhánh Đông. Nhiệm vụ chính của 3 nhánh này là chuyển hướng nước từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của sông Dương Tử về phía Bắc và Tây Bắc.

Trung Quốc đã đưa vào hoạt động nhánh đông và nhánh giữa từ các năm 2013 và 2014, cung cấp nước ngọt cho một số vùng đồng bằng phía Bắc.

Ứớc tính, khoảng 185 triệu người sống ở hàng chục thành phố dọc theo 2 nhánh sông đã được hưởng lợi từ dòng chảy của dự án. Ngay cả Bắc Kinh, thành phố với hơn 22 triệu dân, cũng nhận được một lượng nước đáng kể thông qua Dự án SNWTP.

Nhánh Tây của sông nhân tạo đặt mục tiêu sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2024. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đang vấp phải những lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người ở các quốc gia khác, như Ấn Độ.

Bên cạnh đó, chi phí của dự án này cũng là một rào cản. Theo Iflscience, dự án đã tiêu tốn của chính phủ Trung Quốc ít nhất 71 tỷ USD, và sẽ còn tăng thêm trong những năm tới, chủ yếu đến từ chi phí bảo trì, mở rộng. Năm 2014, SNWTP và các dự án chuyển nước khác chiếm khoảng 1% GDP của Trung Quốc, tương đương 150 tỷ USD.

Cập nhật: 12/12/2024 Dân Trí
  • 132