Nghiên cứu được công bố trên tờ Global Change Biology cho thấy 98% số chim cánh cụt Hoàng đế có thể biến mất vào năm 2100 với tốc độ gia tăng khí thải carbon và biến đổi khí hậu hiện nay làm băng trên biển tan nhanh.
Nghiên cứu đã xem xét xu hướng nóng lên toàn cầu và khả năng các biến động thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng.
“Vòng đời của chim cánh cụt Hoàng đế gắn liền với băng trên biển”, nhà sinh thái học Stephanie Jenouvrier tại viện Hải dương học Woods Hole cho biết.
Loài chim này sẽ không thể tồn tại nếu không có đủ băng biển.
Năm 2016, một đàn chim cánh cụt Hoàng đế ở vịnh Halley, Nam Cực, đã sinh sản thất bại do có quá ít băng trong khu vực. Băng ở đây bị vỡ trước khi đàn chim cánh cụt con có đủ thời gian phát triển, khiến khoảng 10.000 con chim con bị chết đuối.
Chim cánh cụt Hoàng đế chỉ sinh sản ở Nam Cực trong mùa đông. Chúng có thể chịu đựng nhiệt độ âm 40 độ C và vận tốc gió lên tới 144km/giờ bằng cách tụ tập thành từng đàn hàng nghìn con. Nhưng loài chim này sẽ không thể tồn tại nếu không có đủ băng biển.
“Loài chim cánh cụt này đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, và chính phủ Mỹ cuối cùng cũng nhận ra mối đe dọa đó”, bà Sarah Uhlemann, giám đốc trung tâm Đa dạng Sinh học phi lợi nhuận tại Mỹ, cho biết.
Chính phủ Mỹ cũng từng liệt kê một số loài vật khác sống bên ngoài đất nước vào danh sách bị đe dọa. Trong số đó có gấu Bắc Cực, loài vật cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hiện tượng tan băng.
Chim cánh cụt Hoàng đế là loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 270.000 - 280.000 cặp chim trong thời kỳ sinh sản, hay 625.000 - 650.000 cá thể. Danh sách được đề xuất sẽ được công bố trong Sổ đăng ký Liên bang vào thứ Tư để mở ra thời gian bình luận công khai 60 ngày.
Việc liệt kê loài chim này vào danh sách động vật bị đe dọa sẽ giúp thúc đẩy các biện pháp bảo vệ chúng như cấm nhập khẩu chim cánh cụt vì mục đích thương mại.