Ngày 22/7, bản đồ cảnh báo nguy cơ Covid-19 ở Hà Nội chuyển từ màu vàng sang đỏ, ngay hôm sau Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi với Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Màu đỏ thể hiện, nguy cơ dịch bệnh lan tràn ở thủ đô đang "Rất cao" - mức cao nhất trong bốn cấp độ cảnh báo mà Tổ thông tin đáp ứng nhanh, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đưa ra.
Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ thông tin đáp ứng nhanh cho biết, dữ liệu ngày 22/7 cho thấy, 2 chuỗi lây nhiễm ở Nhà thuốc Tâm Đức (Láng Hạ) và nhóm những người tự đi xét nghiệm đang lớn dần, khó kiểm soát, nguy cơ lan rộng trên 50% quận, huyện.
Dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua quá trình chống dịch, Tổ thông tin cho rằng khi số ca F0 mới trong 14 ngày vượt 1/100.000 dân là nguy cơ, thì Hà Nội lúc này đã đạt tỷ lệ 4,43/100.000 dân - mức đáng báo động. Phân tích dữ liệu từng quận, huyện cũng thể hiện có 7 huyện "Nguy cơ cao" và 20/30 quận, huyện thuộc diện "Nguy cơ".
Trên cơ sở những dữ liệu này, Tổ ngay lập tức báo cáo tới Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (lúc đó đang công tác tại TP HCM) và Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội, Chủ tịch Chu Ngọc Anh. Dữ liệu cảnh báo khá trùng khớp với nhận định về tình dịch của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội, khi mà liên tiếp hai ngày 22 và 23/7, địa bàn ghi nhận số ca dương tính tăng cao nhất từ đầu đợt dịch thứ tư. "Sau đó tôi được biết, đến cuối giờ sáng ngày 23/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắn tin, điện thoại làm việc với lãnh đạo Thành phố, thống nhất áp dụng Chỉ thị 16 tại Hà Nội sớm nhất có thể", ông Trung cho biết.
Sau quá trình làm việc, thảo luận nhiều phương án chuẩn bị, các cơ quan đạt được sự thống nhất quyết định áp dụng cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 ngay trong đêm 23/7.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ Rất cao ở Hà Nội hôm 23/7. Người dân có thể tra cứu bản đồ nguy cơ tại địa chỉ nguyco.antoancovid.vn.
Bản đồ Nguy cơ an toàn Covid được xây dựng cách đây hơn một năm, với trung tâm phân tích đặt tại Văn phòng Chính phủ. Bản đồ đưa ra bốn mức cảnh báo dịch bệnh: Bình thường mới (màu xanh); Nguy cơ (màu vàng); Nguy cơ cao (màu cam); Rất cao (màu đỏ). Nhóm sẽ gửi báo cáo hàng ngày đến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các địa phương, dự báo nguy cơ đến cấp xã.
Các mức cảnh báo dựa trên phân tích dữ liệu về ổ dịch, mối liên hệ giữa các ổ dịch, cơ cấu các nhóm tiếp xúc lây bệnh, triệu chứng nặng nhẹ của bệnh nhân... Tổ sử dụng mô hình dịch tễ toán học thống kê, máy học, mạng tri thức, tri thức chuyên gia nhằm trả lời các câu hỏi: nguy cơ một khu vực thế nào, các ổ dịch quan trọng ở đâu, phát triển tiếp ra sao, địa điểm siêu lây nhiễm tiềm năng nằm ở đâu, năng lực đáp ứng của địa phương đến đâu...
Tổ đồng thời ghi nhận đánh giá từ các chuyên gia dịch tễ học, xã hội học, toán học, công nghệ thông tin từ các Viện, trường hàng đầu như Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Viện Toán cao cấp...
"Việc phân tích dữ liệu được làm nhiều chiều để đánh giá chéo, nhằm trả lời một cách thực tiễn nhưng đúng lý thuyết nhất", ông Trung nói.
Theo ông Trung, có những thời điểm, Tổ thông tin phải đối diện các câu hỏi cụ thể hơn như: tại sao chọn 19 tỉnh mà không phải 22 hay 24 tỉnh để áp dụng Chỉ thị 16? ổ dịch tại một địa bàn có khả năng nắm bắt kịp và khống chế hay không? xã phường nào, cụm nhà nào nguy cơ cao?...
"Thường sau khi tập hợp dữ liệu, chúng tôi có một đêm phân tích làm báo cáo, nhưng với tình huống cấp bách, chúng tôi chỉ có 1 tiếng, thậm chí 15 phút để trả lời câu hỏi", ông Trung nói.
Ông Nguyễn Thế Trung (thứ hai từ trái qua) và nhóm chuyên gia trong Tổ thông tin đáp ứng nhanh đang phân tích dữ liệu ngày 22/5. (Ảnh: NVCC).
Tổ thông tin đáp ứng nhanh hiện có 300 nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên về dịch tễ và công nghệ thông tin. "Qua kinh nghiệm chống dịch, chúng tôi càng tin vào lý thuyết liên ngành sử dụng dữ liệu có thể giúp ích cho điều hành", ông Trung nói.