Mặc dù là một trong những lục địa phát triển với mật độ dân cư đông và đời sống thịnh vượng, nhưng một điểm mà có lẽ ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là ở Châu Âu, số lượng các toà nhà chọc trời lại ít hơn rất nhiều các quốc gia ở Châu Á và khu vực Bắc Mỹ. Tính đến nay, cả Châu Âu chỉ có 218 toà nhà chọc trời được xây dựng và 66% trong số đó nằm tập trung chủ yếu ở 5 thành phố London, Paris, Frankfurt, Moscow và Istanbul mà thôi. Vậy làm thế nào mà nguồn cung địa ốc và không gian văn phòng có thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường rất cao tại đây?
Các toà nhà chọc trời lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19.
Toà nhà chọc trời được định nghãa là những công trình kiến trúc cao tầng có chiều cao thông thường từ 150m trở lên. Khi các toà nhà chọc trời lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19, chỉ một thời gian ngắn sau đó, xu hướng cao tầng này lan rộng và xuất hiện phổ biến ở Chicago và đến New York. Trong khi đó, diện tích đất ở các thành phố Châu Âu thì đã kín các công trình toà nhà mang tính chất lịch sử lâu đời và phần không gian cộng đồng cũng không còn khả dụng, chỉ còn một số ít chỗ để xây dựng các toà nhà mới. Bên cạnh đó, lúc bấy giờ hầu hết tại các thành phố của Châu Âu cũng đã được quy hoạch phát triển đồng đều hơn, không có tình trạng dồn về một vài quận trung tâm, nguyên nhân chính cho việc thúc đẩy sự hình thành của các toà cao ốc. Vì thế, về cơ bản diện tích hiện có vẫn đáp ứng được đủ nhu cầu của thị trường.
Ngay từ đầu, Châu Âu lại không chạy theo xu hướng xây dựng nhà chọc trời.
Mặt khác, khi sức ảnh hưởng của Bắc Mỹ bắt đầu trở nên lan rộng hơn thì trong xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều sự đối lập khi người Mỹ cho rằng hệ thống giai cấp của Châu Âu là lỗi thời, ngược lại một số người Châu Âu lại coi lý tưởng của dân Mỹ là trái truyền thống và xói mòn lối sống của họ. Thế là, các lục địa bắt đầu cảnh giác hơn trước những xu hướng thay đổi đang diễn ra.
Như vậy, khi Bắc Mỹ hướng đến mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu cho thời đại mới thì Châu Âu lại tìm cách bảo vệ di sản của mình. Tuy đây có thể giải thích được tại sao ngay từ đầu, Châu Âu lại không chạy theo xu hướng xây dựng nhà chọc trời nhưng lại không thể lý giải vì sao từ đó cho đến nay, họ vẫn không xây dựng thêm nhiều nhà chọc trời.
Sau thế chiến 2, dân số Châu Âu rất thấp, nên nhu cầu về không gian lớn của tòa nhà chọc trời gần như bằng 0.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhiều người cho rằng các thành phố ở Châu Âu sẽ tận dụng cơ hội này để thay đổi thiết kế lại thành phố để trở nên hiện đại hoá và bắt kịp xu hướng toà cao ốc đang lan rộng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ở khu vực Tây Âu, nơi tập trung nhiều thành phố có nhiều công trình, kiến trúc lịch sử bị phá huỷ do chiến tranh gây ra, người dân lại mong muốn phục hồi những thứ còn sót lại hơn. Bên cạnh đó, dân số Châu Âu vào thời điểm đó cũng rất thấp vì thế nhu cầu về diện tích không gian to lớn của các toà cao ốc dường như bằng 0. Kết quả là tại những nơi bị hư hại không thể phục hồi, người ta cũng chỉ xây dựng thay thế một công trình có diện tích khiêm tốn mà thôi.
Trong khi đó ở Đông Âu, Liên Xô lại nỗ lực mở rộng việc xây dựng các công trình kiến trúc vừa phải và có thiết kế lặp đi lặp lại để thu hút dân cư đến sinh sống. Đây cũng là lúc các toà nhà chọc trời đầu tiên ở Châu Âu được xây dựng, không phải là vì nhu cầu phát triển của xã hội mà chỉ là cách Liên Xô muốn thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của họ mà thôi.
Người dân Bỉ đã phá hủy nhiều tòa nhà lịch sử để xây công trình lớn và hiện đại.
Mặc dù Brussels chưa bao giờ có một toà nhà chọc trời thật sự được xây dựng, nhưng nó lại phải chịu một phần trách nhiệm khi là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu các toà cao ốc trên khắp lục địa Châu Âu. Theo đó, vào những năm 1960, người dân Bỉ đã chứng kiến nhiều toà nhà lịch sử trong thành phố bị phá huỷ chỉ để nhường chỗ cho các công trình kiến trúc lớn và hiện đại hơn mà không hề quan tâm đến các giá trị văn hoá đã tồn tại bao đời. Chỉ một thời gian sau đó, nhận thức những thiệt hại mà việc tái phát triển một cách bừa bãi này đã gây ra cho thành phố, các kiến trúc sư nổi tiếng đã đặt ra một thuật ngữ “Brusselization” để mô tả việc xây dựng các toà nhà cao tầng hiện đại ở khu phố cổ mà không hề quan tâm đến bối cảnh hiện có.
Theo đó, những quy định mới được ban hành đã hạn chế đáng kể quy mô của các kiến trúc mới, chẳng hạn như công trình mới phải đảm bảo các yêu cầu về mặt trước, độ cao vừa kết hợp các yếu tố mới nhưng vẫn phải bảo tồn và phù hợp với mặt bằng chung của toàn thành phố.
Bài học ở Brussels làm nhiều người dân Châu Âu dần có hiềm khích với các toà nhà hiện đại.
Bài học ở Brussels đã làm nhiều người dân Châu Âu dần có quan điểm hiềm khích với các toà nhà hiện đại. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng việc giữ mãi các toà nhà cổ rất chán và không đổi mới. Vì thế dần dần nhiều thành phố ở Châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các quy định xây dựng hơn, chẳng hạn như ở thành phố Paris, những công trình cao tầng bắt đầu được xây dựng nhưng phải trong một khu vực được phép và bắt buộc phải cách xa khu trung tâm lịch sử.
Bắt đầu từ thế kỷ 21, khi thế giới ngày càng đô thị hoá thì thái độ về các toà nhà chọc trời cũng đã không còn quá căng thẳng. Kể từ đầu những năm 2000, ở các trung tâm tài chính lớn như London, Paris, Moscow, Istanbul và Frankfurt, các toà nhà chọc trời đã bắt đầu được xây dựng do nhu cầu về không gian diện tích ở các quận trung tâm tăng cao. Ngược lại, ở các thành phố Châu Âu nhỏ hơn với mức tăng trưởng và phát triển chậm hơn thì lại chuyển sự quan tâm sang môi trường và việc cải thiện mức sống cho cư dân.