Dùng chim bồ câu để đo mức độ ô nhiễm không khí

  •  
  • 1.064

Thành phố London (Anh) vừa tiến hành sử dụng chim bồ câu để lấy số liệu về ô nhiễm không khí tại đây.

Được trang bị bộ cảm biến nhỏ xíu như chiếc ba lô đeo ở lưng, một đàn chim bồ câu ở London có nhiệm vụ bay trên thành phố để đo mức độ ô nhiễm không khí. Những số liệu này được gửi về cho các nhà khoa học thông qua mạng xã hội Tweeter.

Một chú chim bồ câu được đeo cảm biến trên lưng.
Một chú chim bồ câu được đeo cảm biến trên lưng. (Nguồn: Cinet).

Đàn 10 chú chim bồ câu này gọi là nhóm Pigeon Air Patrol, được huấn luyện bay xung quanh thủ đô của xứ sở sương mù để bộ cảm biến trên lưng chúng gửi các dữ liệu về về mức độ ô nhiễm không khí cho hệ thống Twittersphere. Ý tưởng này được hình thành bởi Công ty tiếp thị DigitasLBi và đã giành được giải thưởng của Twitter vào năm ngoái.

Những bộ cảm biến do công ty Plume Labs ở Paris (Pháp) thiết kế, có khả năng phát hiện nồng độ nitrogen dioxide và ozone. Nhờ có trọng lượng rất nhẹ nên khi đính kèm vào "áo khoác" lưới trên lưng chim bồ câu, bộ cảm biến không làm ảnh hưởng đến chuyển động của đôi cánh chim.

Tất nhiên, chim bồ câu không biết tự báo cáo số liệu. Thay vào đó, các kỹ sư chế tạo đã tweet một vị trí trong thành phố London vào tài khoản @PigeonAir Twitter. Sau đó, họ sẽ lập tức nhận được những dữ liệu thông báo cho họ về mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực đó. Bản đồ đường bay của chú chim cũng được thể hiện ở trang web Pigeon Air Patrol.

"Ô nhiễm không khí đã khiến hàng ngàn người dân London tử vong mỗi năm. Việc sử dụng chim bồ câu để đo mức độ ô nhiễm không khí sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này và giúp người dân London hiểu tác động của ô nhiễm một cách dễ dàng và lập tức" - ông Romain Lacombe, lãnh đạo công ty Plume Labs cho biết.

Cập nhật: 17/03/2016 Theo tgvn
  • 1.064