Malaysia đang cân nhắc việc tung ra những con muỗi biến đổi gene làm vũ khí trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết.
Muỗi Aedes gây nhiều loại bệnh nguy hiểm. Ảnh: Wikipedia
Trong thử nghiệm đầu tiên thuộc loại này ở châu Á, sẽ có 2.000 đến 3.000 con muỗi đực Aedes (loại gây bệnh sốt xuất huyết, vàng da và giun chỉ) được thả ra hai bang của Malaysia vào tháng 10 và 11, AFP cho hay.
Những con muỗi đực này đã được biến đổi gene sao cho con cái của chúng sẽ chết nhanh chóng, điều đó giúp giảm số lượng muỗi trong môi trường, các nhà khoa học hy vọng. Nếu số muỗi giảm mạnh, dần dần sự sống của loài côn trùng gây sốt xuất huyết này sẽ tiêu vong.
Tổ chức y tế thế giới ước tính mỗi năm trên trái đất có 50 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết. Trong những thập niên gần đây, con số ca nhiễm ngày càng tăng do tình trạng đô thị hóa nhanh, phương tiện di chuyển phát triển khiến cho virus lây lan dễ dàng.
Tiến trình thử nghiệm sắp tới là kết quả nghiên cứu của Malaysia từ năm 2006.
Tuy nhiên một số nhà môi trường không ủng hộ dự án này. Họ cho rằng muỗi biến đổi gene chưa chắc ngăn được sốt xuất huyết, hơn nữa có thể gây những nguy hại khôn lương.
"Một khi anh đã thả muỗi biến đổi gene vào môi trường, anh không còn kiểm soát được chúng nữa và chúng có thể gây nhiều phiền toái", Gurmit Singh, giám đốc trung tâm Môi trường Công nghệ và Phát triển Malaysia nói.
Virus sốt xuất huyết thường tồn tại ở các khu vực nhiệt đới, đặc biệt là vùng đô thị và bán đô thị. Nó có mặt ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam.