Dùng nước tiểu tạo ra điện, nhân tiện làm sạch hết mầm bệnh trong nước tiểu

  •   52
  • 896

Có bao giờ bạn tưởng tượng ra chất lỏng sinh học trong cơ thể được bạn thải ra mỗi ngày sẽ có lúc mang tới ánh sáng cho nhân loại? Chưa hết, thậm chí chúng còn có tác dụng xử lý chất thải và ngăn chặn các sinh vật gây hại thông qua mạng lưới thoát nước.

Sử dụng các vi sinh vật trong nước tiểu làm điện năng mới đây được đánh giá khá cao về mặt ý tưởng và ứng dụng. Đây là một giải pháp sinh học rất hữu ích trong thời kì cả thế giới đang tránh sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch.

Nhưng không dừng lại đó, các nhà khoa học quyết định tiến thêm một bước xa hơn. Họ quyết định nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này để tiêu diệt các mầm bệnh có trong nước tiểu. Bước tiến này đang ngày càng thu hút và hấp dẫn hơn đối với thế giới công nghệ đang phát triển.


Công nghệ sinh học này cũng có thể tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh trong nước thải. (Ảnh minh họa).

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học West của Anh Quốc đã nghiên cứu thành công và chứng minh rằng chỉ cần xây dựng một bệ tiểu với chi phí rất thấp đã có thể cung cấp đủ điện năng giúp thắp sáng cho các căn hộ nhỏ.

Cuộc thử nghiệm, được hỗ trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận Oxfam vào năm 2015 đã thể hiện tiềm năng của dự án này trong các khu vực xảy ra thảm họa, thiên tai, trại tị nạn - những nơi thiếu thốn ánh sáng vào ban đêm khiến những người sinh sống nơi này rất dễ bị ăn trộm, tấn công và thậm chí cả hiếp dâm.

Đồng thời, công nghệ sinh học này cũng có thể tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh trong nước thải, mở ra một loạt các ứng dụng tiềm năng khác dành những vùng sâu vùng xa hay cho những đô thị khan hiếm tài nguyên để làm sạch chất thải.

Giám đốc nghiên cứu dự án đã giải thích: “nhân vật chính của dự án này là các tế bào vi sinh vật có khả năng tạo ra điện năng. Trong quá trình sinh trưởng, các vi khuẩn ăn các chất hữu cơ có trong nước tiểu giúp chúng phát triển. Khi đó, cơ thể chúng sẽ sản sinh ra một lượng điện năng nhất định - điện nước tiểu”.

Các nghiên cứu đã cho thấy, ngoài khả năng tạo điện năng nhờ sản sinh năng lượng trong quá trình sinh trưởng, các vi sinh vật còn có khả năng khử trùng tương đối tốt bởi chúng tạo ra Hydrogen peroxide (Ôxi già - có thể phân ly thành nước và Oxy nguyên tử), có tác dụng sát khuẩn cực tốt.

Tính năng sát khuẩn đã mang đến cho nhóm nghiên cứu trường Đại học West một luồng ý tưởng mới - ứng dụng tính năng này để làm sạch chất thải. Để chứng minh ý tưởng này khả thi, họ đã chọn một chủng vi khuẩn đường ruột khá phổ biến và nguy hiểm - trực khuẩn Salmonella - có khả năng gây bệnh thương hàn hay các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, để thử nghiệm.

Sau khi cho một lượng Salmonella nhất định qua các hệ thống chứa các vi sinh vật trong nước tiểu, số liệu ở đầu ra đã cho kết quả không ngoài mong đợi - lượng Salmonella đã giảm đi đáng kể.

Dự án "điện nước tiểu" được triển khai vào năm 2015.
Dự án "điện nước tiểu" được triển khai vào năm 2015.

Các nhà nghiên cứu đã thực sự hào hứng với kết quả thí nghiệm này. Họ đã tạo ra một hệ sinh thái ổn định, trong đó chúng ta có thể xử lý chất thải, phát điện và ngăn chặn các sinh vật gây hại qua mạng lưới thoát nước.

Trên thực tế, các vi sinh vật trong nước tiểu đã diệt khuẩn rất hiệu quả, chúng đã làm giảm lượng vi khuẩn gây bệnh xuống dưới mức chúng có thể gây hại cho con người. Tuy chưa thể loại bỏ hoàn toàn lượng vi khuẩn ra khỏi nguồn nước thải nhưng đối với các nhà khoa học thì chắc chắn việc này chỉ là vấn đề thời gian.

Để nâng cao sự hiểu biết của mọi người về dự án này do quỹ Bill & Melinda Gates thành lập, nhóm nghiên cứu đã tích hợp công nghệ của họ vào các nhà về sinh công cộng và đặt chúng ở lễ hội âm nhạc Glastonbury tại Anh Quốc.

Năng lượng được tạo ra từ những buồng vệ sinh được dùng để cung cấp cho các bảng điện tại lễ hội. Kế hoạch này là để xử lí hơn 1000l nước tiểu và đã cung cấp điện năng cho bộ 10 bảng thông tin.

Công nghệ này đang được nghiên cứu và phát triển ra khắp thế giới. Rồi sẽ có ngày bạn sẽ không còn đau đầu với hóa đơn tiền điện nữa nhờ… nước tiểu của chính bạn!

Cập nhật: 26/06/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 896