Không ít người than phiền đã uống thuốc đúng chỉ dẫn mà bệnh không khỏi. Nếu đã loại trừ yếu tố khách quan như bác sĩ chẩn đoán hoặc cho thuốc không đúng, thuốc kém chất lượng, thì nguyên nhân chủ yếu là dùng thuốc không đúng cách.
Uống là phương pháp dùng thuốc đơn giản nhất, dễ thực hiện, không cần dụng cụ kỹ thuật hoặc sự trợ giúp của cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết một số quy định phải tuân thủ để thuốc uống vào phát huy tác dụng tốt.
Nhiều khi thầy thuốc do quá vội nên trong đơn thuốc chỉ ghi đơn giản: tên thuốc, hàm lượng, số lượng thuốc dùng cả đợt điều trị và kèm theo số viên dùng mỗi lần, số lần trong ngày, còn việc uống như thế nào tùy bệnh nhân. Cũng loại thuốc đó nhưng dùng không đúng phương pháp (dù chỉ là đưa thuốc vào miệng), công dụng của thuốc sẽ bị giảm, chưa kể còn gây tác hại. Cụ thể:
Cách uống
Có loại thuốc viên nuốt, không nhai như các thuốc kháng dị ứng. Có loại phải nhai nát và uống với nước như viên carbophos (gồm có than thảo mộc, canxi carbonat, canxi phosphat...) để hấp phụ chất khí, chất độc, trung hòa các dịch tiết ở dạ dày.
Cùng một loại thuốc, có loại viên phải ngậm dưới lưỡi nhằm cho tác dụng nhanh như viên nifedipin 10 mg. Nhưng cũng thuốc này nếu dùng để dự phòng tái phát tăng huyết áp (tác dụng chậm) thì uống không nhai (viên nifedipin loại 20 mg).
Uống vào lúc nào?
Trước bữa ăn: Một số kháng sinh như ampicillin, amoxicilin.
Nếu bác sĩ dặn uống khi đói thì phải uống thuốc đó 2 giờ sau khi ăn, ví dụ biolactyl (men lactic sống, phòng và trị rối loạn tiêu hóa). Có loại thuốc đối với người bình thường thì dùng vào lúc đói nhưng với người viêm dạ dày hoặc bệnh lỵ amip thì không uống vào lúc đói như sorbitol (điều trị chứng rối loạn, khó tiêu, phụ trị chứng táo bón).
Một số thuốc uống ngay trước bữa ăn hoặc đầu bữa ăn như bepridil (thuốc đối kháng dùng phòng cơn đau thắt ngực), carbosylane (chữa đầy hơi khó tiêu). Có thuốc uống trong hoặc sau bữa ăn như atropin oxyd, bidentin (chữa tăng huyết áp và tăng cholesterol máu), co-trimoxazol, cefuroxim (cephalosporin thế hệ 2).
Nếu đơn bác sĩ dặn uống lúc no thì phải thực hiện đúng vì một số thuốc rất nguy hiểm cho dạ dày khi trống rỗng.
Có thuốc nên uống trước khi đi ngủ như clorazepat (giải lo âu, an thần), viên sủi cimetidin. Nhưng có loại không nên uống về đêm như Upsa C canxi, cloprozamid (giảm đường huyết ở người bị tiểu đường týp 2).
Thời điểm uống thuốc trong ngày cũng quan trọng. Thuốc kháng histamin nên uống vào sáng sớm, tác dụng điều trị kéo dài gấp đôi so với uống lúc đói. Thuốc giảm đau nên uống vào buổi trưa là tốt nhất. Thuốc hen suyễn nên uống trước khi đi ngủ để phòng cơn hen thường hay xảy ra lúc 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng.
Thuốc hạ áp loại chẹn beta (atenolol, propanolol, nadolol...) không có hiệu quả vào ban đêm cũng như sáng sớm; nhưng loại lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid) và loại chẹn kênh canxi (nifedipin, nicardipin, amlodipin, diltiazem...) có hiệu quả suốt cả ngày. Thuốc hạ áp loại ức chế men chuyển (captopril, enalapril...) đạt hiệu quả tối đa về đêm nhưng có ít tác dụng ban ngày.
Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc
Có thuốc ngày chỉ dùng một lần như các thuốc tránh thai, azithromycin; có loại ghi chỉ uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (trinordiol: thuốc tránh thai).
Có loại quy định rõ khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc. Chẳng hạn như cefixim và cefpodoxim (cephalospirin thế hệ 3) quy định ngày 2 viên, chia 2 lần cách nhau 12 giờ; zalcitabin (thuốc chữa HIV) quy định 8 giờ uống một viên loại 0,75 mg.
Để nồng độ thuốc có trong máu luôn ở mức ổn định bảo đảm hiệu lực chữa bệnh thì nên uống các lần trong ngày với khoảng cách đều.
Khi uống thuốc viên, nên uống ở tư thế đứng, còn nếu nằm thì thuốc dễ lưu lại lâu ở thực quản có thể gây loét niêm mạc nơi thuốc tiếp xúc (các thuốc dễ kích ứng niêm mạc như tetracyclin, các thuốc giảm đau chống viêm, các thuốc có sắt...).