Dùng thuốc trong điều trị mất ngủ mạn tính

  •   38
  • 27.354

Giấc ngủ là một trạng thái của cơ thể nhằm cân bằng trở lại các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, đặc trưng là dao động nhịp ngày đêm, bảo đảm cho phục hồi các chức năng của đại não trong trạng thái thức - ngủ.

Trong suốt cuộc đời, mỗi người trung bình ngủ khoảng 220.000 giờ và rối loạn giấc ngủ thường là triệu chứng sớm nhất của các bệnh tâm thần.

(Ảnh: TTO)

Bình thường người ta ngủ khoảng 6-7 giờ/đêm. Chu kỳ sinh học của giấc ngủ là 25 giờ, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài nên nhịp thức ngủ chỉ là 24 giờ. Người ta chia giấc ngủ thành 2 giai đoạn: ngủ chậm và ngủ nhanh.

Giai đoạn ngủ chậm chiếm khoảng 75% thời gian ngủ, còn giai đoạn ngủ nhanh chiếm 25% còn lại. Sự di chuyển từ pha ngủ nhanh sang pha ngủ chậm và ngược lại nhìn chung diễn ra rất nhanh, thực ra chỉ phân biệt được rõ ràng 2 giai đoạn này khi làm điện não đồ trong giấc ngủ.

Mất ngủ tiên phát là người bệnh than phiền chủ yếu: khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ và kéo dài ít nhất trong thời gian một tháng. Mất ngủ tiên phát xảy ra độc lập không liên quan đến bất kỳ rối loạn cơ thể hoặc tâm thần nào khác. Bệnh nhân tăng hoạt động vào ban đêm và ít ngủ, cảm giác vui vẻ hoặc u sầu quá mức.

Mất ngủ tiên phát dẫn tới rối loạn lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi, giảm sút khả năng lao động, khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ... Mất ngủ tiên phát hay gặp ở người cao tuổi, phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành, hiếm khi gặp ở trẻ em và vị thành niên. Ở người trẻ thường hay than phiền khó vào giấc ngủ, trong khi ở người trung, cao tuổi thường hay than phiền khó giữ giấc ngủ và hay dậy sớm.

Bệnh rất phổ biến, theo Hội Tâm thần học Mỹ, trong một năm có đến 40% số người lớn than phiền mất ngủ và khoảng 15-25% số người có mất ngủ tiên phát. Hầu hết các trường hợp mất ngủ tiên phát xuất hiện sau khi có yếu tố căng thẳng tâm lý. Nhưng mất ngủ tiên phát lại rất bền vững, khi các yếu tố căng thẳng tâm lý đã được giải quyết thì mất ngủ vẫn không hết.

Tuy nhiên mất ngủ tiên phát là bệnh mạn tính, thường kéo dài vài tháng, thậm chí kéo dài hàng năm. Vì vậy, việc điều trị cũng cần đủ thời gian, tránh dùng các thuốc có thể gây phụ thuộc thuốc.

Các thuốc dùng trong mất ngủ tiên phát

Một số thuốc an thần có thể dùng điều trị mất ngủ như thioridazine, olanzapine. Các thuốc này có thể dùng kéo dài mà không sợ gây nghiện. Thuốc chống trầm cảm an dịu như amitriptiline (elavil), mirtazapine (remeron), doxepine, ludiomine dùng điều trị mất ngủ tiên phát rất tốt.

Ngoài ra, các thuốc này còn có tác dụng điều trị lo âu, trầm cảm - các nguyên nhân rất phổ biến gây mất ngủ. Vì vậy, dùng các loại thuốc này rất tiện lợi, cho kết quả tốt cả khi chẩn đoán mất ngủ tiên phát hoặc mất ngủ do trầm cảm, lo âu chưa được rõ ràng. Trong các thuốc này, amitriptiline rẻ tiền và dễ mua nhất, nhưng thuốc có tác dụng phụ nhiều nhất, vì vậy khi sử dụng phải tăng liều từ từ để bệnh nhân quen dần.

Remeron hiện nay cũng rất sẵn trên thị trường, thuốc có tác dụng tốt như amitriptiline, nhưng rất ít tác dụng phụ, thuận tiện cho bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi, tuy nhiên giá thuốc còn cao. Một số phác đồ cụ thể:

- Phác đồ 1: Elavil 25mg, uống tuần 1 mỗi tối 1 viên, tuần 2 mỗi tối 2 viên, tuần 3 uống sáng 1 viên, tối 2 viên, từ tuần thứ 4 trở đi uống sáng 2 viên, tối 2 viên. Cần uống thuốc từ 6-12 tháng.

- Phác đồ 2: Remeron 30mg, uống nửa viên, nếu cần có thể dùng 1 viên, uống buổi tối trước khi đi ngủ. Cần uống thuốc 6-12 tháng.

- Phác đồ 3: Olanzapine 10mg uống mỗi tối nửa viên, nếu cần uống 1 viên. Cần dùng thuốc 6-12 tháng. Có thể thay olanzapine bằng thioridazine 100mg.

Tóm lại, rối loạn giấc ngủ tiên phát là một bệnh rất phổ biến, mạn tính, điều trị tương đối phức tạp. Vì vậy bệnh nhân cần được tư vấn và điều trị cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 38
  • 27.354