Một bé trai 5 tháng tuổi ở Mỹ trở thành em bé đầu tiên trên thế giới ra đời bằng kỹ thuật mới tổ hợp ADN từ ba người.
Kỹ thuật sinh con từ ba người do bác sĩ John Zhang ở Trung tâm Sinh sản New Hope, Mỹ, phát triển cho phép cha mẹ mang đột biến gene hiếm gặp có những đứa con khỏe mạnh, New Scientist hôm qua đưa tin. Em bé đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này ra đời hồi tháng 4 và có sức khỏe tốt.
Mẹ của bé trai mang mắc hội chứng Leigh, một chứng bệnh tác động lên hệ thống thần kinh đang phát triển, dẫn đến tử vong. Gene mang bệnh nằm ở ADN của ty lạp thể, cấu trúc rất nhỏ cung cấp năng lượng cho tế bào và truyền từ mẹ sang con.
10 năm sau khi kết hôn, người phụ nữ mang thai nhưng hai người con của cô đều qua đời khi còn rất nhỏ do hội chứng Leigh. Kiểm tra cho thấy dù người mẹ rất khỏe mạnh, 1/4 ty lạp thể của cô mang gene mắc hội chứng Leigh.
Bác sĩ Zhang bế bé trai. (Ảnh: New Scientist).
Kỹ thuật mới gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia y học và mới chỉ được thông qua ở Anh. Tại Anh, kỹ thuật có tên truyền nhân non (pronuclear transfer - PT), đòi hỏi các bác sĩ thụ tinh sử dụng tinh trùng của người cha để thụ tinh cho cả trứng của người mẹ và trứng của người hiến tặng. Trước khi trứng đã thụ tinh phân chia thành phôi thai giai đoạn đầu, bác sĩ loại bỏ nhân ở trứng của người hiến tặng và thay bằng nhân lấy từ trứng của người mẹ.
Tuy nhiên, kỹ thuật này không thể áp dụng với hai vợ chồng theo đạo Hồi bởi việc phá hủy hai phôi thai bị phản đối. Do đó, bác sĩ Zhang tiếp cận theo cách khác gọi là truyền nhân thẳng (spindle nuclear transfer - SNT). Ông lấy nhân từ trứng của người mẹ và cấy vào trứng đã gỡ nhân của người hiến tặng. Trứng chứa ADN nhân từ người mẹ và ADN ty lạp thể từ người hiến tặng sau đó được thụ tinh bằng tinh trùng của người cha.
Nhóm nghiên cứu của Zhang sử dụng kỹ thuật trên để tạo 5 phôi thai, nhưng chỉ một phôi thai phát triển bình thường. Phôi thai được cấy vào cơ thể người mẹ và bé trai ra đời 9 tháng sau. Các nhà nghiên cứu sẽ giới thiệu kỹ thuật mới tại hội thảo khoa học của Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ tại Salt Lake City, Utah vào tháng 10.
Cả hai kỹ thuật PT và SNT đều chưa được thông qua ở Mỹ, vì vậy bác sĩ Zhang phải tiến hành các bước ở Mexico. Nhóm nghiên cứu đã cân nhắc vấn đề đạo đức khi phát triển kỹ thuật, theo Sian Harding, người đánh giá tính đạo đức của kỹ thuật ứng dụng ở Anh. Họ tránh phá hủy phôi thai và sử dụng phôi thai bé trai để em bé chào đời không di truyền ADN ty lạp thể cho thế hệ sau.
Khi Zhang và đồng nghiệp kiểm tra ty lạp thể của bé trai, họ phát hiện tỷ lệ mang đột biến chưa đến 1% và hy vọng kết quả này không gây ra vấn đề sức khỏe nào. Thông thường, trẻ mắc bệnh khi tỷ lệ ty lạp thể chứa đột biến ở mức 18%.