Các bộ trưởng EU vừa đồng ý cấp vốn bước đầu cho dự án xây dựng hệ thống định vị vệ tinh chung của châu Âu có tên Galileo mà được cho sẽ là đối thủ của hệ thống GPS tương tự của Mỹ.
Cuối tuần qua, các nước EU đã thông qua một thoả thuận theo đó sẽ cấp vốn cho dự án định vị vệ tinh đầy tham vọng Galileo. Số vốn bước đầu 2,4 tỷ Euro (3,55 tỷ USD) này sẽ được rút ra từ ngân sách EU.
Theo phát ngôn viên EU, Đức - nước đóng góp lớn nhất đối với ngân sách EU trong tổng số 27 nước - đã bỏ phiếu chống lại quyết định trên nhưng không có giá trị bởi đại đa số các nước đã đồng ý thông qua.
Thoả thuận giữa các bộ trưởng EU được đưa ra sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất những đối tác được tham gia vào Galileo nhằm tôn trọng ý kiến của Đức cho rằng không một hãng vũ trụ nào được phép kiểm soát toàn diện hệ thống này.
Ban lãnh đạo EU đã từng cảnh báo rằng dự án Galileo có thể sẽ bị dừng lại nếu không đạt được thoả thuận về vốn giữa các thành viên trước cuối năm nay.
Những người ủng hộ thì cho rằng Galileo sẽ là một nền tảng công nghệ sống còn cho châu Âu, trong khi những người phản đối thì cho rằng nó sẽ là một cỗ máy tốn kém bởi Mỹ đã có một hệ thống GPS đủ mạnh để chiếm lĩnh, và Nga cũng như Trung Quốc cũng đã có những hệ thống GPS riêng của họ.
Tổng chi phí của Galileo ước tính vào khoảng 3,4 tỷ Euro (tương đương 5,1 tỷ USD), chủ yếu được huy động từ vốn công cộng sau khi các công ty tư nhân từ chối tham gia bởi cho rằng nó quá mạo hiểm.
EC đã chia quá trình xây dựng Galileo thành 6 giai đoạn và cấm bất cứ công ty nào tham gia quá 2 trong tổng số 6 giai đoạn này.
Galileo sẽ có tổng cộng 30 vệ tinh được xây dựng bởi tổ hợp công nghiệp bao gồm các công ty EADS, Thales và Alcatel-Lucent (Pháp). Ban đầu cũng có một số công ty như Inmarsat, Finmeccanica (Italy), AENA và Hispasat (Tây Ban Nha), Deutsche Telekom (Đức) định tham gia nhưng cuối cũng đã rút lui.
Văn Hân