Ngày 22/8, Liên minh châu Âu (EU) đã phóng thành công tên lửa Soyuz từ Trung tâm vũ trụ Guiana của Pháp, mang theo hai vệ tinh của hệ thống định vị Galileo.
Hai vệ tinh này sẽ là các đối thủ cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.
Với hợp đồng trị giá 500 triệu euro ký với Arianespace, chương trình định vị vệ tinh Galileo của châu Âu là một bước tiến lớn hướng tới việc cung cấp các dịch vụ vận hành.
Tên lửa Soyuz rời bệ phóng. (Nguồn: nasaspaceflight.com)
Hợp đồng sẽ cho phép EU phát triển mạnh công nghệ sản xuất bệ phóng và phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo, qua đó hạn chế việc phải liên kết với các đối tác bên ngoài để đảm bảo quyền nghiên cứu không gian và cung cấp các dịch vụ một cách độc lập.
EU đặt mục tiêu sẽ sản xuất ba bệ phóng Ariane-5 và đưa khoảng 30 vệ tinh lên không gian.
Các bệ phóng sẽ được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2015 để đưa lên quỹ đạo bốn vệ tinh cùng lúc, gấp đôi so với công suất phóng hiện tại.
Trong khi đó, các vệ tinh sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2020.
Ông Ferdinando Nelli Feroci, Ủy viên châu Âu về công nghiệp và doanh nhân khẳng định đây là một bước đi quan trọng hướng tới sự độc lập của ngành vũ trụ EU.
Khi đi vào hoạt động đầy đủ, chương trình này sẽ cung cấp các tín hiệu cho phép người sử dụng dịch vụ biết vị trí chính xác của họ trong không gian bên cạnh nhiều dịch vụ tiện ích khác.