Gây ra những vết thương lớn như miệng núi lửa, đạn siêu thanh đe dọa con người thế nào?

  •   2,86
  • 3.058

Đạn siêu thanh để lại những vết thương lớn như miệng núi lửa, nhưng không xuyên qua da và thịt dưới dạng chất rắn như những phát bắn truyền thống.

Đó là kết quả từ một nghiên cứu quân sự trên động vật ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu từ một trung tâm y tế quân đội ở đô thị tây nam thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã bắn đạn thép 5mm tốc độ cao vào những con lợn đực non được an thần để đánh giá tác động tiềm tàng của vũ khí siêu thanh với cơ thể con người.

Vũ khí siêu thanh là một lĩnh vực nghiên cứu quân sự căng thẳng, với nhà thầu quốc phòng Lobaev Arms (Nga) cho biết vào năm 2019 rằng họ đang phát triển một loại súng trường siêu thanh có thể tăng tốc viên đạn lên gần Mach 6 (2058 mét/giây).

Các viên đạn trong thí nghiệm ở Trùng Khánh được bắn vào đùi của mỗi con lợn và đạt vận tốc lên tới 4.000 mét/giây, tức gấp hơn 11 lần tốc độ âm thanh.

Theo bài viết được công bố hôm 22/8 bởi các nhà nghiên cứu trên Acta Armamentarii, tạp chí chính thức do Hiệp hội Vật liệu Trung Quốc điều hành, những phát súng không giết chết những con lợn ngay lập tức, nhưng sóng xung kích từ các viên đạn đã gây ra những vết thương nghiêm trọng trên khắp cơ thể.

“Các tổn thương trên diện rộng với nhiều cơ quan có thể được nhìn thấy tại thời điểm bị thương, chủ yếu là gãy xương và chảy máu ở ruột, bàng quang, phổi và não”, theo nhóm nghiên cứu do Wang Jianmin đứng đầu tại Phòng Đánh giá Hiệu ứng Sinh học Vũ khí thuộc Trung tâm Y tế Đặc nhiệm Quân đội ở Trùng Khánh. Những con lợn đã chết trong 6 giờ sau khi thử nghiệm.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy viên đạn xuyên qua đùi với tốc độ từ 1.000 đến 3.000 mét/giây.

“Nhưng ở tốc độ 4.000 mét/giây, đạn không xuyên qua được phần thân sau và một khoang vết thương lớn được hình thành tại điểm va chạm”, Wang Jianmin và các đồng nghiệp nói.

Hầu hết loại súng có sơ tốc đạn (vận tốc của một đầu đạn khi vừa ra khỏi nòng) thấp hơn 1.200 mét/giây, hoặc khoảng 3 lần tốc độ âm thanh. Trong những trường hợp này, một viên đạn sẽ xuyên qua da và thịt dưới dạng một chất rắn, theo Wang Jianmin. Song ở vận tốc rất cao, nhiệt độ của viên đạn có thể gần điểm nóng chảy.

“Viên đạn dường như bốc cháy khi nó tiếp xúc với da con vật, cho thấy rằng bản thân quả bóng thép chịu một lực rất lớn khi nó va vào, tan chảy và vỡ ra ở nhiệt độ cao. Nó tạo thành một khoang vết thương khổng lồ tương tự như hố hình bán cầu (miệng núi lửa), kèm theo lượng lớn mô văng tung tóe”, tờ báo cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, trong những điều kiện này, viên đạn và thịt biến thành chất lỏng và khí, nên quá trình vật lý của vụ va chạm cần được mô tả là cơ học chất lỏng.

Đạn siêu thanh
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, đạn siêu thanh khác với đạn truyền thống ở chỗ vết thương có sức hủy diệt trên cơ thể người - (Ảnh: Handout)

Các nhà nghiên cứu ở Trùng Khánh cho biết nhiều thí nghiệm trên động vật sẽ được tiến hành nhắm vào “đầu, ngực, bụng và các bộ phận cơ thể khác có cấu trúc phức tạp hơn”.

Các mục tiêu làm bằng xà phòng có thể tạo ra một số hiệu ứng tương tự, mô phỏng quá trình chuyển động và truyền năng lượng của đạn trong mô mềm, theo các nhà nghiên cứu.

Thế nhưng, nghiên cứu trên động vật là cần thiết để hiểu các đặc điểm chết người của đạn với các mục tiêu sinh học, họ nói.

Vũ khí siêu thanh được coi là một trong những biên giới của khoa học quân sự.

Ví dụ, súng trường bắn tỉa Lobaev Arms có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 1km trong nửa giây, loại trừ nhu cầu điều chỉnh gió, trọng lực và chuyển động.

Không có báo cáo mở nào về việc Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh, nhưng quân đội nước này đã tài trợ nhiều dự án về vũ khí có thể bắn đạn cỡ nhỏ với tốc độ cao hơn Mach 5 (1.715 mét/giây). Chẳng hạn, hải quân Trung Quốc đang điều tra xem liệu những viên đạn siêu thanh này có thể được sử dụng như một phần của hệ thống phòng thủ tàu để đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa hoặc ngư lôi của đối phương hay không. Tuy nhiên theo một nhà nghiên cứu vật lý của vụ nổ, việc phát triển vũ khí siêu thanh đối mặt với nhiều thách thức.

Hầu hết các loại bột súng hiện có không thể tạo ra đủ năng lượng để đẩy viên đạn lên tốc độ cao như vậy, và khẩu súng sẽ cần được thiết kế lại hoàn toàn với vật liệu siêu cứng để chịu được lực nổ, theo nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của công nghệ.

Nhà nghiên cứu nói rằng viên đạn sẽ di chuyển được bao xa vẫn chưa chắc chắn nếu nó tan chảy và thay đổi hình dạng trong không khí.

Các vấn đề khác như tính di động và tiếng ồn cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị thực tế của một loại vũ khí như vậy trong trận chiến, ông nói thêm.

Trung Quốc và Mỹ là hai trong số các quốc gia đang phát triển súng lục có thể phóng đạn siêu thanh trên khoảng cách 200km bằng động cơ đẩy điện từ, nhưng việc giảm kích thước, hao mòn và tiêu thụ năng lượng của các hệ thống này vẫn là thách thức.

Cập nhật: 11/08/2024 1thegioi
  • 2,86
  • 3.058