Ghế Judas - Thiết bị tra tấn kinh hoàng thời Trung Cổ

Ghế Judas là gì?
  •  
  • 954

Ghế Judas có từ thời kỳ Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (năm 1542 – 1834). Chiếc ghế trông có vẻ không mấy ấn tượng, nhưng nó báo trước một kết cục đáng sợ cho người nào bị rơi xuống đúng đầu nhọn sắc như dao cạo.

Theo trang allthatsinteresting, thời kỳ Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha là giai đoạn có các phương pháp tra tấn chưa từng xuất hiện và tàn bạo.

 Tranh vẽ hành hình tù nhân bằng ghế Judas.
Tranh vẽ hành hình tù nhân bằng ghế Judas. (Ảnh: allthatsinteresting).

Trên thực tế, một số phương pháp tra tấn khét tiếng nhất trong lịch sử đã được những quan điều tra thời đó thực hiện để trừng phạt những người bị cho là đã phạm tội, trong đó có các thiết bị như giá đỡ, bánh xe và tra tấn bằng nước. Tuy nhiên, một phương pháp tra tấn ít được biết đến hơn được người Tây Ban Nha ưa chuộng là cái ghế Judas. Kỳ lạ là họ coi ghế Judas là một trong những phương pháp tra tấn nhân đạo nhất.

Bản thân chiếc ghế Judas này không có gì nhiều để mô tả. Nó gồm một kim tự tháp bằng gỗ được đặt trên đỉnh của ba hoặc bốn chân ghế bằng gỗ. Ghế Judas trông có vẻ giống như một chiếc ghế đẩu nhưng phải thừa nhận rằng nhìn nó thì không ai muốn ngồi lên. Ghế được đặt ở một góc của phòng tra tấn. Nạn nhân bị treo lơ lửng bên trên và sẽ từ từ bị hạ xuống đầu nhọn kim tự tháp của ghế Judas, đôi khi họ bị buộc thêm vật nặng vào người.

Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (tòa án được lập ra để xét xử những người mà chính quyền cho là theo dị giáo) đã sử dụng chiếc ghế này để tra tấn nhưng ban đầu, đây là ý tưởng của một luật sư người Italy tên là Hippolytus De Marsiliis, hay còn gọi là Ippolito Marsili. Đáng chú ý, Marsili cũng chính là người giới thiệu hình thức tra tấn bằng nước.

Marsili học luật ở Bologna cùng với những nhân vật đáng chú ý khác như Andrea Barbazza, Vincenzo Paleotti và Alberto Cattani, sau này trở thành học trò yêu thích của Felino Sandeo - người từng giữ chức chủ tịch giáo luật ở Ferrara và Pisa trong một thời gian.

Bản thân Marsili đã nhận bằng tiến sĩ về utroque iure (bằng tiến sĩ về luật dân sự và luật nhà thờ) vào năm 1480. Hai năm sau đó, ông giành được ghế trưởng khoa luật dân sự, sau đó trở thành người cố vấn cho Antonio Burgos và Paolo d'Oria. Trong suốt sự nghiệp của mình, Marsili có rất nhiều sinh viên và đã có vô số bài giảng, nhiều bài giảng trong số đó cũng được ông ghi lại thành sách.

Nhưng Marsili có lẽ được biết đến nhiều nhất với các phương pháp tra tấn khác nhau mà ông nghĩ ra. Nhiều thẩm phán trong thời đại của ông Marsili có xu hướng thích tra tấn và mặc dù ông chỉ coi tra tấn là một hành vi cực chẳng đã, không phải là trò giải trí, nhưng bộ óc của ông đã tạo ra một số kỹ thuật tra tấn dã man nhất.

Ví dụ như tra tấn bằng nước, được tạo ra khi quan sát nước làm mòn các phần của đá. Hay như biện pháp buộc nạn nhân phải thức liên tục khi ngồi trên ghế. Đôi khi, tù nhân phải thức suốt 40 giờ liền.

Tất nhiên, Marsili cũng nghĩ ra ghế Judas. Không rõ lý do hoặc hoàn cảnh khiến Marsili nảy ra ý tưởng về ghế Judas. Có lẽ, Marsili và những người thông thạo luật giáo hội đã dành nhiều thời gian để nghĩ ra các kỹ thuật tra tấn và ghế Judas chỉ là một kết quả của quá trình đó.

Marsili cũng coi nhiều kỹ thuật tra tấn của mình là nhân đạo. Ngay cả ghế Judas cũng chỉ nhằm mục đích giữ cho một người tỉnh táo và không được ngủ. Tuy nhiên, những người áp dụng hình thức tra tấn bằng ghế Judas đã tìm ra cách để hành hạ nạn nhân.

Dù là biện pháp mà Marsili coi là nhân đạo, nhưng do những người tra tấn hiếm khi lau chùi các kim tự tháp bằng gỗ, khiến nhiều tù nhân chết vì nhiễm trùng do máu khô và phân còn sót trên đó.

Vào khoảng thời gian Marsili nghĩ ra các kỹ thuật tra tấn “nhân đạo” của mình, các thành viên khác của Giáo hội Tây Ban Nha đang sử dụng rất nhiều phương pháp tra tấn mà họ đã học được trong nhiều năm.

Không có nhiều quy tắc cơ bản cho các quan điều tra, có nghĩa là họ được tự do khai thác thông tin bất cứ khi nào và theo cách nào họ muốn. Trên thực tế, Đại quan Tòa án Dị giáo Tomás de Torquemada đã thăng tiến nhờ sự tàn ác của mình và sau đó đã sử dụng quyền lực để trục xuất trên 160.000 người Do Thái khỏi Tây Ban Nha.

 Một chiếc ghế Judas được trưng bày trong bảo tàng.
Một chiếc ghế Judas được trưng bày trong bảo tàng. (Ảnh: Twitter).

Ngoài ra, bất kỳ người Do Thái hoặc người Hồi giáo nào còn ở lại và cải đạo đều bị Torquemada và các quan điều tra của ông ta nhắm đến ngay lập tức. Hầu hết họ đều cho rằng những người cải đạo để theo Cơ đốc giáo không phải là vì những lý do đúng đắn. Thay vào đó, ông này cho rằng nhiều người đã cải đạo chỉ vì sợ chết.

Mặc dù Torquemada là một trong những quan điều tra tàn ác nhất khi ông ta đích thân giám sát 2.000 vụ hành quyết vào thời của mình, nhưng ông ta hầu như không phải là người duy nhất đưa ra những hình phạt khắc nghiệt đối với những người bị coi là dị giáo.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, cho đến giữa thế kỷ 18, Toà án Dị giáo Tây Ban Nha tiếp tục truy quét, săn lùng, kết án và giết hại bằng hình phạt yêu thích của Torquemada: auto-da-fé, tức là “hành động vì đức tin”. Về cơ bản, đây là hình thức thiêu sống ai đó để buộc họ phải thú nhận tội lỗi của mình. Không cần phải nói, hầu hết mọi người đã không sống sót, ngay cả khi họ đã thú nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quan điều tra Tây Ban Nha thường xuyên sử dụng các hình thức tra tấn dã man khác, như con lừa Tây Ban Nha, giá đỡ, dụng cụ tách đầu gối và tất nhiên là cả ghế Judas.

Tất nhiên, giống như nhiều thiết bị tra tấn cổ xưa khác, du khách đến thăm Bảo tàng Tra tấn ở Tây Ban Nha có thể tự mình nhìn thấy ghế Judas trông như thế nào. Trên thực tế, bảo tàng có hai mô hình khác nhau được trưng bày: một mô hình trông giống như một kim tự tháp nhỏ được gắn vào bốn chân ở mỗi góc và một mô hình khác có kim tự tháp nằm trên một đỉnh nhọn, gần giống như một mũi tên trên bốn chân ghế.

Ghế Judas chắc chắn là một trong những phương pháp tra tấn kinh hoàng nhất trong lịch sử nhưng trớ trêu là nó lại được coi là tương đối nhân đạo vào thời đó.

Cập nhật: 04/04/2023 Báo Tin tức
  • 954